Multimedia Đọc Báo in

Ngăn chặn bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò

08:10, 11/06/2021

Đắk Lắk là tỉnh thứ ba trong vùng Tây Nguyên xuất hiện dịch bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu bò. Điều nguy hiểm là ổ bệnh xuất hiện ngay trong mùa mưa, một môi trường thuận lợi để phát tán vi rút, nên nguy cơ bùng phát dịch trên địa bàn tỉnh rất cao.

Nguy cơ bùng phát dịch cao

Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, ngày 5-6, Đắk Lắk đã ghi nhận một con bò mắc bệnh VDNC tại hộ ông Nguyễn Khắc Dự (thôn 5, xã Cuôr Knia, huyện Buôn Đôn).

Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính, Chi cục đã yêu cầu các phòng, ban chuyên môn của huyện phối hợp với UBND xã Cuôr Knia vận động gia đình có bò nhiễm bệnh đem đi tiêu hủy; tiến hành rắc vôi bột, phun thuốc diệt côn trùng, ruồi, muỗi, ve, mòng… khu vực ổ dịch và các hộ chăn nuôi lân cận.

Đồng thời, cấm các phương tiện vận chuyển gia súc, hạn chế người và động vật ra, vào khu vực có dịch; hướng dẫn các hộ xung quanh có trâu, bò chưa bị bệnh chủ động giám sát đàn vật nuôi, biết cách phòng tránh và khai báo kịp thời khi phát hiện trâu, bò có dấu hiệu bệnh.

Chăn nuôi bò quy mô nông hộ tại xã Đắk Phơi (huyện Lắk).
Chăn nuôi bò quy mô nông hộ tại xã Đắk Phơi (huyện Lắk).

Theo điều tra dịch tễ của Phòng NN-PTNT huyện Buôn Đôn, ngày 3-6 ông Dự mua con bò trên từ một người dân ở thôn 9, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn. Và trước đó, con bò này lại được mua từ xã Ea Ning (huyện Cư Kuin) sau đó bán cho ông Dự. Bà Trần Thị Thủy, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Buôn Đôn cho biết, huyện đã báo cáo kết quả điều tra dịch tễ cho Chi cục Chăn nuôi và Thú y để chỉ đạo, hướng dẫn huyện Cư Kuin có biện pháp giám sát dịch bệnh. Riêng với địa bàn huyện Buôn Đôn thì Phòng NN-PTNT cũng đã tham mưu cho UBND huyện có cơ chế hỗ trợ vắc xin để tiêm phòng bao vây dập dịch tại địa phương. Tuy nhiên, nguy cơ bùng phát, lây lan dịch bệnh này trên địa bàn khá cao vì mật độ chăn nuôi lớn, với tổng đàn gần 19.000 con trâu, bò, trong đó có gần 5.000 con thuộc các xã lân cận có nguy cơ lây nhiễm bệnh rất lớn.

Bộ NN-PTNT hiện đã cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu vắc xin VDNC, với hơn 4,12 triệu liều nhằm cấp bách phòng, chống dịch. Từ tháng 12-2020 đến nay, toàn quốc đã tiêm phòng được trên 2 triệu liều vắc xin tại 33 tỉnh, thành phố và 28 cơ sở chăn nuôi lớn. Dự kiến trong thời gian tới, các doanh nghiệp tiếp tục nhập khẩu thêm hơn 3 triệu liều vắc xin, đáp ứng đủ nhu cầu tiêm phòng của các địa phương.

Liên quan đến yếu tố dịch tễ với huyện Buôn Đôn, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Cư Kuin đã tiến hành lấy mẫu trên đàn bò thuộc hai hộ ở thôn 23 (xã Ea Ning) để gửi đi xét nghiệm và 2/3 mẫu có kết quả dương tính với vi rút VDNC. Hiện Trạm đang phối hợp với xã xử lý ổ dịch theo quy định. Được biết, tổng đàn trâu, bò trên địa bàn huyện Cư Kuin có gần 10 nghìn con. Nhằm tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh, Trạm đã chủ động hướng dẫn các hộ chăn nuôi cách phòng dịch bằng việc vệ sinh khu vực chăn nuôi sạch sẽ, diệt các loại côn trùng truyền bệnh, hướng đến chăn nuôi an toàn sinh học.

Ông Thủy Lệ Vũ, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho hay, bệnh VDNC trên trâu, bò khá nguy hiểm vì khả năng lây lan bệnh nhanh, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Tác nhân truyền bệnh là các loại côn trùng như muỗi, ruồi, mòng... truyền từ con bị bệnh sang con chưa bị bệnh. Hiện Đắk Lắk đang trong mùa sinh sản và phát triển của các côn trùng truyền bệnh, cộng với tập quán chăn thả gia súc và thời tiết nóng, ẩm chính là những yếu tố khiến dịch bệnh VDNC trên trâu bò có nguy cơ bùng phát diện rộng.

Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp

Hiện nay, tổng đàn trâu, bò của Đắk Lắk là 307.550 con, chủ yếu là quy mô nhỏ, lẻ và chăn thả rông. Việc chủ động phòng, chống dịch, bảo vệ an toàn của đàn gia súc có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế hộ gia đình của người dân. Vì vậy, trước khi xuất hiện ổ dịch đầu tiên, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã ban hành công điện; Sở NN-PTNT cũng đã có các văn bản chỉ đạo để chủ động phòng, chống dịch bệnh VDNC kịp thời và có hiệu quả.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, khi phát hiện ổ dịch đầu tiên, đơn vị đã yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm những giải pháp ngăn dịch lây lan. Riêng đối với những địa phương chưa có dịch xảy ra, Chi cục yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện sớm dấu hiệu dịch bệnh; tuyên truyền, vận động người chăn nuôi tự bỏ kinh phí mua vắc xin phòng VDNC để triển khai tiêm cho đàn trâu, bò của mình; thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn dịch bệnh… Đặc biệt, với hai huyện Buôn Đôn và Ea Súp có đường biên giới giáp Vương quốc Campuchia, cần phối hợp với bộ đội biên phòng, tăng cường giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán trâu, bò, sản phẩm từ trâu, bò; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vận chuyển, buôn bán trâu, bò, sản phẩm từ trâu, bò nhập lậu qua biên giới không rõ nguồn gốc.

Cán bộ thú y huyện Cư Kuin kiểm tra đàn bò tại hộ chăn nuôi trên địa bàn xã Ea Tiêu.
Cán bộ thú y huyện Cư Kuin kiểm tra đàn bò tại hộ chăn nuôi trên địa bàn xã Ea Tiêu.

Ngoài ra, Chi cục cũng chỉ đạo các trạm, chốt kiểm dịch động vật đầu mối giao thông, tăng cường công tác kiểm dịch vận chuyển, nhất là vận chuyển trâu, bò từ các tỉnh đang có dịch bệnh VDNC nhằm kiểm soát triệt để trâu, bò và sản phẩm từ trâu, bò xuất, nhập vào địa bàn tỉnh để tiêu thụ. Cương quyết xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không có Giấy chứng nhận kiểm dịch, không có nguồn gốc rõ ràng.

Theo ông Thủy Lệ Vũ, bệnh VDNC không lây cho người. Mặc dù vậy, ông Vũ cũng khuyến cáo người chăn nuôi không được giết mổ gia súc đã mắc bệnh để bán cho người tiêu dùng. Khi thấy trâu, bò bị bệnh, chết không rõ nguyên nhân phải báo cho cán bộ thú y, trưởng thôn, buôn, UBND cấp xã để được hướng dẫn xử lý, tuyệt đối không bán chạy hoặc vứt xác trâu, bò ra môi trường làm lây lan dịch bệnh..

Minh Thuận


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.