Multimedia Đọc Báo in

Vì sao các chuẩn mực đạo đức được luật pháp hóa?

18:10, 09/04/2010

Muốn xây dựng thành công nhà nước pháp quyền thì rõ ràng cần phải vận động, khuyến khích và cổ vũ mọi người sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Vấn đề quản lý xã hội bằng pháp luật là không phải bàn cãi. Tuy nhiên, từ một số văn bản pháp luật gần đây được ban hành khiến chúng ta không khỏi suy nghĩ đến những mối quan hệ xã hội, những chuẩn mực giá trị đang có nguy cơ xuống cấp và bị đảo lộn.

Ngày 2-8-2007, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 129/2007/QĐ -TTg ban hành Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính Nhà nước. nhằm bảo đảm tính trang nghiêm và hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước; xây dựng phong cách ứng xử chuẩn mực của cán bộ, công chức, viên chức trong hoạt động công vụ, hướng tới mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức tốt, trình độ chuyên môn vững.
Nhìn từ phía nhu cầu xã hội, có thể khẳng định Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước đã đáp ứng nhu cầu của xã hội và nhận được sự đồng tình của đa số quần chúng nhân dân.
Tuy vậy, việc ban hành Quy chế này khiến chúng ta  không khỏi băn khoăn về hệ thống chuẩn mực trong xã hội hiện nay.
Xã hội bao gồm nhiều nhóm xã hội với những nhu cầu và lợi ích khác nhau. Bất kỳ một chính sách xã hội nào cũng có thể mang lại lợi ích cho nhóm xã hội này nhưng lại gây thiệt thòi cho nhóm xã hội khác. Vậy nhờ đâu và bằng cách nào mà xã hội ổn định, duy trì và phát triển? Sự kiểm soát và điều tiết của xã hội được thực hiện dựa vào hệ thống giá trị, chuẩn mực xã hội. Đó là những quan niệm về cái đẹp, cái xấu, điều gì làm nên sự tôn trọng, điều gì làm nên sự khinh bỉ,  những điều nên làm, những điều nên tránh, những hành động sẽ được thưởng và những hành động sẽ bị phạt. Cá nhân sống trong cộng đồng sẽ học hỏi, tiếp thu hệ thống giá trị, chuẩn mực của cộng đồng và từ đó có những hành động xã hội phù hợp. Như vậy, sẽ có trường hợp cá nhân phải tự nhận thức được có những việc không mang lại lợi ích cho cá nhân mình nhưng lại là điều nên làm bởỉ nó phù hợp với giá trị và chuẩn mực xã hội. Hệ thống chuẩn mực xã hội được chia làm hai dạng: thành văn (dưới dạng văn bản pháp luật và văn bản hành chính thông thường…) và bất thành văn (phong tục, tập quán, lề thói ứng xử,…). Trong giao tiếp không nên dùng tiếng lóng, không nói tục, không quát nạt; biết lắng nghe người khác; trong quan hệ giữa người với người nên trung thực, tôn trọng; với đồng nghiệp nên hợp tác, thân thiện; có văn hoá giao tiếp qua điện thoại,…thông thường được xem là những chuẩn mực xã hội bất thành văn. Và khi cá nhân có những hành vi lệch chuẩn mực xã hội bất thành văn thì sẽ bị dư luận xã hội lên án, chỉ trích.
Trong Quy chế văn hóa công sở đã nêu trên đây, nhiều chuẩn mực bất thành văn đã trở thành chuẩn mực thành văn. Cụ thể, Quy chế quy định: Trong giao tiếp và ứng xử, cán bộ, công chức, viên chức phải có thái độ lịch sự, tôn trọng. Ngôn ngữ giao tiếp phải rõ ràng, mạch lạc; không nói tục, nói tiếng lóng, quát nạt; trong giao tiếp và ứng xử với nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức phải nhã nhặn, lắng nghe ý kiến, giải thích, hướng dẫn rõ ràng, cụ thể về các quy định liên quan đến giải quyết công việc. Cán bộ, công chức, viên chức không được có thái độ hách dịch, nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà khi thực hiện nhiệm vụ; Trong giao tiếp và ứng xử với đồng nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức phải có thái độ trung thực, thân thiện, hợp tác; khi giao tiếp qua điện thoại, cán bộ, công chức, viên chức phải xưng tên, cơ quan, đơn vị nơi công tác; trao đổi ngắn gọn, tập trung vào nội dung công việc; không ngắt điện thoại đột ngột...
Vậy điều gì khiến những quy tắc vốn được điều chỉnh bằng dư luận xã hội nay phải điều chỉnh bằng văn bản pháp luật. Liệu có phải do hiện tượng “lệch lạc xã hội” ngày càng tăng, đến mức không thể điều chỉnh bằng dư luận xã hội? Chúng tôi cho rằng sự phản ứng của xã hội đối với hành vi “lệch lạc xã hội” vẫn sẽ là cơ chế quan trọng nhất để điều chỉnh hành vi của cá nhân. Cùng với pháp luật, thiết nghĩ chúng ta cần phải quan tâm hơn việc củng cố, xây dựng những quan hệ xã hội tốt đẹp, đồng thời dư luận xã hội cần phải lên án mạnh mẽ những hành vi lệch chuẩn. Có như vậy mới hạn chế được những hiện tượng không lành mạnh trong xã hội (như biết việc mình làm là sai trái nhưng vẫn cứ làm vì cho rằng pháp luật không cấm!) Thực tế đã chứng minh, nhiều khi sự lên án của dư luận, của cộng đồng còn “đáng sợ” hơn pháp luật.

Trương Thị Hiền

 


Ý kiến bạn đọc