17:17, 23/06/2010
Trung đoàn Bộ binh 584 (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh) làm nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ và sẵn sàng chiến đấu. Đơn vị đứng chân trên địa bàn rộng, nhiều cơ sở trực thuộc đóng xa sở chỉ huy, lại có đặc thù riêng là tỷ lệ cán bộ, chiến sĩ, nhất là tân binh tham gia huấn luyện hằng năm là người dân tộc thiểu số chiếm trên 30%.
Những năm qua, đặc biệt từ năm 2007 đến nay, đơn vị đã áp dụng hình thức sinh hoạt theo “Tổ 3 người” thì công tác huấn luyện chiến sĩ mới ở đây đã có những chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng. Qua kiểm tra đánh giá kết quả huấn luyện tân binh hằng năm, có 100% đạt loại khá, giỏi. Sau khi xuất ngũ về địa phương, quân nhân được trang bị những kiến thức quân sự, có kỹ năng chiến đấu cơ bản, bản lĩnh chính trị vững vàng, sẵn sàng đảm nhận mọi nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra. Để có được những kết quả trên, theo Thiếu tá Trần Duy Hưng, Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn, ngoài công tác chuẩn bị tốt thao trường, bãi tập, tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ trực tiếp tham gia huấn luyện trước mỗi đợt tân binh nhập ngũ, thì biện pháp mà đơn vị áp dụng để nâng cao chất lượng huấn luyện cho chiến sĩ mới chính là duy trì hình thức sinh hoạt theo “Tổ 3 người”, xen kẽ giữa chiến sĩ người dân tộc thiểu số và chiến sĩ người Kinh với nhau, để hỗ trợ, học hỏi, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Căn cứ vào chỉ tiêu tuyển quân hằng năm đã được cấp trên phân bổ, khi tân binh về đơn vị huấn luyện và được biên chế vào các lực lượng, cán bộ huấn luyện sẽ dựa vào hồ sơ nhập ngũ của tân binh để sắp xếp 3 chiến sĩ vào một tổ.
|
Huấn luyện kỹ thuật chiến đấu bộ binh môn bắn súng cho tân binh tại Tiểu đoàn 303 (Trung đoàn 584) |
Theo kinh nghiệm huấn luyện chiến sĩ mới của Tiểu đoàn 303, tân binh người dân tộc thiểu số thường có trình độ văn hóa ở bậc THCS, trình độ nhận thức, tiếp thu và hòa nhập với môi trường quân đội thường chậm hơn, nên hình thức sinh hoạt xen kẽ này sẽ tạo điều kiện cho tổ hỗ trợ, kèm cặp nhau cùng tiến bộ. Binh nhì Y Đrăng Byă, chiến sĩ người Êđê, nhập ngũ đợt 1-2010, huấn luyện tại Tiểu đoàn 303 cảm nhận: “Khi vừa nhập ngũ, chúng tôi đều chưa quen biết nhau, khi được biên chế vào tiểu đội, tôi được sắp xếp sinh hoạt cùng với 2 đồng đội người Kinh và được các bạn hỗ trợ rất nhiều trong huấn luyện, học tập thêm về văn hóa, nhờ vậy, khoảng cách giữa các thành viên trong tổ được xóa bỏ”. Ưu điểm khác của hình thức sinh hoạt theo “Tổ 3 người” này là các thành viên trong tổ không ngại tâm sự, chia sẻ tâm tư tình cảm cùng những khó khăn, vướng mắc trong huấn luyện, cuộc sống. Từ đó, những ý kiến trên được phản ánh kịp thời đến đồng chí tiểu đội trưởng và báo cáo lên cấp trên để đề ra giải pháp tháo gỡ, giúp chiến sĩ ổn định tư tưởng, tập trung huấn luyện. Nhiều chiến sĩ nhờ hình thức sinh hoạt này đã phấn đấu rèn luyện, có điều kiện học tập, nâng cao trình độ và được vinh dự kết nạp vào Đảng trong thời gian tại ngũ. Cách làm này của Trung đoàn được Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đánh giá rất cao, bởi ngoài việc nâng cao chất lượng huấn luyện quân nhân còn góp phần giúp huấn luyện quân sự cho các địa phương tạo nguồn cán bộ có năng lực, trình độ. Nhờ cách tổ chức huấn luyện hiệu quả trên đây, 100% đảng viên và chiến sĩ người dân tộc thiểu số của đơn vị luôn có lập trường tư tưởng vững vàng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhất là từ năm 2007 đến nay, tại các đơn vị huấn luyện của Trung đoàn không còn xảy ra tình trạng đào, bỏ ngũ. Kết quả huấn luyện chiến sĩ mới năm sau luôn đạt chất lượng cao hơn năm trước, 100% các môn huấn luyện đều đạt loại khá, giỏi, trong đó môn thuốc nổ bài 1, lựu đạn bài 1 đều đạt loại giỏi. Ý thức chấp hành kỷ luật quân đội và pháp luật Nhà nước của cán bộ chiến sĩ cũng có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ quân nhân vi phạm pháp luật thông thường chỉ còn 0,4%.
Trong thời gian tới Trung đoàn phấn đấu trở thành đơn vị huấn luyện giỏi, dân vận tốt, xây dựng môi trường quân đội chính quy, tinh nhuệ, xứng đáng với truyền thống Anh hùng của đơn vị.
Đăng Triều
Ý kiến bạn đọc