Multimedia Đọc Báo in

Xét xử sơ thẩm vụ kiện về sở hữu trí tuệ đầu tiên trên địa bàn Dak Lak

14:37, 21/06/2010

 Trong 2 ngày 17 và 18-6, sau nhiều lần trì hoãn, TAND tỉnh đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ kiện về quyền sở hữu trí tuệ giữa nguyên đơn là ông Hoàng Thịnh ở khối 3 thị trấn Buôn Trấp (Krông Ana) và bị đơn là ông Nguyễn Đình Mỹ và bà Thái Thị Thu Sương (vợ ông Mỹ) ở khối 8 thị trấn Buôn Trấp. Đây là vụ kiện về quyền sở hữu trí tuệ đầu tiên trên địa bàn Dak Lak được đưa ra xét xử sau thời gian tranh chấp kéo dài 7 năm.
Theo đơn khởi kiện của ông Hoàng Thịnh, đầu năm 2003, ông phát hiện cơ sở cơ khí Đình Mỹ của ông Mỹ và bà Sương có bán ra thị trường máy đùn gạch có trục cào. Đây là sản phẩm mà ông Thịnh đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học – Công nghệ) cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích từ năm 2002. Bên cạnh đó, ông Thịnh còn phát hiện cơ sở sản xuất gạch Việt Mỹ của ông Mỹ cũng đã sử dụng máy này để sản xuất gạch. Sự việc sau đó đã được ông Thịnh làm đơn kiến nghị gửi đến UBND huyện, Sở Khoa học – Công nghệ (KHCN) cùng các cơ quan chức năng đề nghị giải quyết nhưng vẫn không thành. Mãi đến năm 2008, UBND tỉnh đã có công văn gửi Sở KHCN yêu cầu chuyển vụ việc cho TAND tỉnh thụ lý giải quyết.
Tại phiên tòa sơ thẩm, Hội đồng xét xử đã chấp nhận đơn khởi kiện của ông Hoàng Thịnh vẫn nằm trong thời hiệu khởi kiện mặc dù thời gian từ khi ông Thịnh phát hiện sản phẩm máy đùn gạch có trục cào của mình bị xâm phạm quyền sở hữu đến khi khởi kiện ra tòa là trên 5 năm, bởi lẽ trong thời gian này ông Thịnh đã liên tục làm đơn đề nghị giải quyết hành chính đến chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng.
Đối với nội dung ông Thịnh khởi kiện bà Thái Thị Thu Sương, chủ cơ sở cơ khí Đình Mỹ về hành vi sản xuất máy đùn gạch có trục cào và trục cào cho máy đùn gạch đã được Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu của ông Thịnh, theo nhận định của Hội đồng xét xử là không có cơ sở, vì ông Thịnh không chứng minh được cơ sở cơ khí Đình Mỹ sản xuất và bán loại máy này cho khách hàng bằng hóa đơn, chứng từ. Tuy nhiên, đối với nội dung khởi kiện việc ông Mỹ sử dụng máy đùn gạch có trục cào của ông Thịnh đã được bảo hộ để sản xuất gạch với mục đích kinh doanh thu lợi nhuận, theo Hội đồng xét xử thì căn cứ vào quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, đây là hành vi xâm phạm bằng độc quyền giải pháp hữu ích. Tòa chấp nhận nội dung khởi kiện này của ông Hoàng Thịnh và tuyên buộc ông Mỹ bồi thường cho ông Thịnh 351 triệu đồng. Ngoài ra, tòa còn buộc ông Mỹ phải thanh toán cho ông Thịnh khoản phí thuê luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp số tiền là 61 triệu đồng.                     

      Việt Cường

Ý kiến bạn đọc