Multimedia Đọc Báo in

Sự cần thiết vận dụng luật tục trong quản lý xã hội

17:15, 10/09/2010

Giải quyết mối quan hệ giữa hình thức tự quản và quản lý (giữa hương ước, luật tục và luật pháp) là việc làm cần thiết trong bối cảnh xã hội Việt Nam hiện nay, đặc biệt là ở những vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh pháp luật, việc vận dụng luật tục để điều chỉnh các quan hệ cộng đồng tại các vùng dân tộc thiểu số  là cần thiết. Cơ sở khoa học và thực tiễn của vấn đề trên thể hiện ở chỗ:

Thứ nhất, pháp luật luôn mang tính thống nhất và phổ quát trên phạm vi quốc gia trong khi đó mức độ phát triển của xã hội trong phạm vi từng vùng, từng địa phương, từng dân tộc lại không đồng đều về nhiều mặt. Do vậy, không phải lúc nào pháp luật cũng có hiệu lực như nhau ở các phạm vi lãnh thổ khác nhau, với những điều kiện xã hội khác nhau.

Thứ hai, trong mức độ nhất định, luật tục cũng có vai trò không kém phần quan trọng như pháp luật là điều chỉnh các mối quan hệ xã hội, duy trì và ổn định trật tự xã hội của cộng đồng, bảo đảm cho cộng đồng tồn tại và phát triển.

Thứ ba, trong chừng mực nhất định, tính cộng đồng của luật tục cao hơn pháp luật. Luật tục phản ánh ý chí, nguyện vọng của cộng đồng nên nó là công cụ điều chỉnh các mối quan hệ xã hội giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với gia đình, dòng họ, giữa cá nhân với buôn làng, với xã hội, với tự nhiên và cả với các lực lượng siêu nhiên… nhằm ổn định một trật tự có lợi cho toàn thể cộng đồng. Trên cơ sở đó, luật tục được thực hiện do tính tự giác và sự cưỡng chế của cộng đồng.

Thứ tư, trong giai đoạn hiện nay, sự tồn tại của luật tục mang tính khách quan và hiệu lực của luật tục cũng được bảo đảm bởi các điều kiện khách quan của sự phát triển kinh tế - xã hội. Rõ ràng, chính thực tế tồn tại của luật tục hiện nay đã chứng tỏ rằng trong xã hội đang tồn tại những điều kiện kinh tế - xã hội khách quan và các quan hệ xã hội phù hợp với sự điều chỉnh của luật tục.

Thứ năm, hiện nay, công tác tự quản trong cộng đồng có nhiều hạn chế, tệ nạn xã hội phát triển nhanh và nhiều hơn, an ninh trật tự ngày càng phức tạp,  tài nguyên môi trường bị xâm hại... Đứng trước những thách thức về những ảnh hưởng không tốt của nền kinh tế thị trường đối với thuần phong mỹ tục của các dân tộc, văn kiện Đại hội Đảng lần thứ IX đã chỉ rõ: "Bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa dân tộc, các giá trị văn học, nghệ thuật, ngôn ngữ, chữ viết và thuần phong mỹ tục của các dân tộc; tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa. Tiếp thu tinh hoa và góp phần làm phong phú thêm văn hóa của nhân loại". Đến Đại hội X, một lần nữa Đảng ta lại khẳng định: "Tiếp tục phát triển sâu rộng và nâng cao chất lượng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, gắn kết chặt chẽ và đồng bộ hơn với phát triển kinh tế-xã hội, làm cho văn hóa thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội". Vấn đề vận dụng luật tục của các dân tộc thiểu số vào quản lý cộng đồng là yêu cầu khách quan, phù hợp với định hướng lãnh đạo của Đảng.

Hiện nay, nước ta đã có hệ thống pháp luật thống nhất sử dụng và cũng có những văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành cho phù hợp với từng vùng dân tộc thiểu số. Điều này giúp nông thôn vùng dân tộc thiểu số phát triển nhanh về mọi mặt. Nhưng nếu chúng ta nghiên cứu đầy đủ hơn, chọn lọc nhiều hơn những tình tiết của luật tục để vận dụng hiệu quả thì việc ổn định xã hội vùng dân tộc thiểu số sẽ tốt hơn nữa.

 

Trương Thị Hiền

 


Ý kiến bạn đọc