Luật An toàn thực phẩm công cụ pháp lý quan trọng để bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân
An toàn thực phẩm (ATTP) là một trong những vấn đề mà Đảng, Nhà nước từ lâu đã đặc biệt quan tâm và coi đây là một vấn đề có ý nghĩa lớn về kinh tế - xã hội, về an toàn xã hội, sức khỏe cộng đồng, về bảo vệ môi trường và có ảnh hưởng lớn đến tiến trình hội nhập của nước ta.
Tuy nhiên, công tác bảo đảm ATTP vẫn còn nhiều hạn chế. Kết luận số 43-KL/TW của Bộ Chính trị về 3 năm thực hiện Nghị quyết số 46- NQ/TW ngày 25-2-2005 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã chỉ ra: "Công tác thông tin, giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi sức khoẻ đã có đổi mới bước đầu, song chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt trong lĩnh vực y tế dự phòng, an toàn thực phẩm". Nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước là phải triển khai mạnh mẽ các biện pháp kiểm soát vệ sinh, an toàn thực phẩm và tăng cường quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ngày 17-6-2010, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII đã thông qua Luật An toàn thực phẩm (sau đây gọi tắt là Luật ATTP), có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2011. Việc ban hành Luật là một sự kiện quan trọng thể hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước ta, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho công tác bảo đảm ATTP trong giai đoạn tới, góp phần tích cực vào việc thực hiện thành công sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Luật ATTP đã dành một chương (chương IX) quy định về Thông tin, giáo dục, truyền thông về ATTP. Mục đích của thông tin, giáo dục, truyền thông về ATTP là nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, phong tục, tập quán sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt, ăn uống lạc hậu, gây mất ATTP, góp phần bảo vệ sức khỏe, tính mạng con người; đạo đức kinh doanh, ý thức trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh với sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng thực phẩm. Theo đó, cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thông tin, giáo dục, truyền thông về ATTP; UBND các cấp có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm cho nhân dân trên địa bàn.
Để tăng cường công tác quản lý ATTP, Luật xác định cụ thể trách nhiệm của từng cơ quan từ trung ương tới địa phương. Trong đó UBND các cấp có trách nhiệm:
1. Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật địa phương; xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch vùng, cơ sở sản xuất thực phẩm an toàn để bảo đảm việc quản lý được thực hiện trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm.
2. Chịu trách nhiệm quản lý ATTP trên địa bàn; quản lý điều kiện bảo đảm ATTP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống, ATTP tại các chợ trên địa bàn và các đối tượng theo phân cấp quản lý.
3. Báo cáo định kỳ, đột xuất về công tác quản lý ATTP trên địa bàn.
4. Bố trí nguồn lực, tổ chức bồi dưỡng nâng cao chất lượng nhân lực cho công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn.
5. Tổ chức tuyên truyền, giáo dục, truyền thông, nâng cao nhận thức về ATTP, ý thức chấp hành pháp luật về quản lý ATTP, ý thức trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm đối với cộng đồng, ý thức của người tiêu dùng thực phẩm.
6. Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về ATTP trên địa bàn quản lý.
Với việc ban hành Luật ATTP, xác định rõ trách nhiệm cho từng cơ quan, tổ chức, cũng như quy định các biện pháp chế tài nghiêm khắc, hy vọng rằng công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cộng đồng trong thời gian tới sẽ có những chuyển biến tích cực, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân.
Ý kiến bạn đọc