Ea Súp - Nhức nhối an ninh rừng
Trong những năm qua, tình hình vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Ea Súp ngày một thêm nhức nhối. Ngoài hoạt động mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép thường xuyên xảy ra, tình trạng người dân chặt phá rừng, bao chiếm đất trái phép đã gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý bảo vệ rừng của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương nơi đây…
Theo báo cáo của Công ty TNHH Một thành viên Cư M’lan: chỉ trong 4 tháng đầu năm 2011, đơn vị này đã phát hiện 14 vụ khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, với tang vật tạm giữ là 1 xe ô tô, 1 máy cày MTZ, 21 xe máy, 15 cưa xăng cùng 7 m3 gỗ các loại; tình trạng chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép đã xảy ra 159 vụ, với diện tích 125,95 ha, đều chưa xác định được đối tượng. Riêng tại các tiểu khu 242, 289 đơn vị đã bắt được 3 vụ vi phạm có chủ, thu tang vật là 1 máy cày MTZ, 4 xe máy, với diện tích rừng bị phá trên 5.000 m2. Những diện tích này chủ yếu nằm dọc 2 bên đường đang thi công làm đường từ thôn 14 xã Ea Lê đi khu dân cư 265+271 và dọc hai bên đường liên huyện Cư M’gar – Ea Súp. Trước đó, trong năm 2010, tình trạng chặt phá, lấn chiếm đất rừng trái phép cũng đã diễn ra phức tạp tại những tiểu khu trên với 65 vụ, tổng diện tích rừng bị chặt phá, lấn chiếm 34,3 ha, trong đó, trên 18 ha là diện tích rừng phòng hộ. Đơn cử như vụ nhóm đối tượng gồm 20 người, đưa 2 máy cày vào cày đất tại tiểu khu 294 trong tháng 10-2010, trong đó có 6 đối tượng cầm mã tấu, còn lại cầm gậy gộc sẵn sàng chống lại lực lượng chức năng. Khi lực lượng truy quét đến nơi thì 2.000m2 đất rừng đã bị cày xới, còn các đối tượng phá rừng tháo chạy về hướng Buôn Ya Wầm (xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar).
Nhiều diện tích rừng Ea Súp thượng bị tàn phá vào tháng 4-2011. |
Nguyên nhân được xác định là do thi công làm con đường từ thôn 14 xã Ea Lê vào khu dân cư tại tiểu khu 265+271 chạy qua các tiểu khu 264, 262, 249, 265, 271 làm gia tăng tình trạng chặt phá rừng để bao chiếm đất cho mục đích cá nhân. Một nguyên nhân nữa là, do quy hoạch các tuyến đường xung quanh hồ Ea Súp thượng chạy qua các tiểu khu rừng, cùng với việc mở các tuyến kênh tưới nước gần lâm phần Công ty quản lý nên cũng tạo điều kiện để người dân tham gia chặt phá, lấn chiếm đất rừng. Thêm vào đó là tình trạng dân di cư tự do liên tục gia tăng trong những năm gần đây, làm gia tăng áp lực về giải quyết đất ở, đất sản xuất đối với chính quyền địa phương. Theo lãnh đạo hạt Kiểm lâm Ea Súp: tình trạng vi phạm lâm luật ngày càng gia tăng và phức tạp còn do sự phát triển ồ ạt của các xưởng chế biến gỗ. Ea Súp hiện có trên 100 xưởng cưa và cơ sở chế biến đồ mộc dân dụng, mỗi ngày đêm các xưởng này có thể chế biến cả nghìn mét khối gỗ, và dĩ nhiên, ai dám chắc rằng trong đó không có gỗ lậu. Trong 4 tháng đầu năm, Hạt đã phát hiện, xử lý 140 vụ vi phạm lâm luật, tịch thu trên 280 m3 gỗ, 53 phương tiện các loại.
Ông Nguyễn Đình Toản, Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Súp cho biết: trước tình trạng phá rừng, mua bán đất lâm nghiệp trái phép ngày càng gia tăng, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng kiên quyết xử lý. Chỉ trong thời gian từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5 - 2011, Hạt Kiểm lâm huyện đã ra 2 quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội hủy hoại rừng. Quyết định thứ nhất liên quan đến vụ chặt phá 8,4 ha rừng tại lô 3, khoảnh 3, tiểu khu 207 thuộc Cty TNHH MTV lâm nghiệp Rừng Xanh; vụ thứ hai gồm 5,1 ha rừng tại tiểu khu 215 do UBND xã Cư K’bang quản lý. Riêng vụ hủy hoại 0,4ha rừng tại các tiểu khu 289, 294 do Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Cư M’lan phát hiện ngày 11- 5, các cơ quan chức năng của huyện đang xem xét xử lý hình sự. Bên cạnh đó, UBND huyện cũng vừa thành lập hai tổ công tác ngăn chặn tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp tại xã Cư K’bang và khu vực Cầu Trắng thuộc xã Ia J’lơi, tổ còn lại trấn giữ ngã ba Cư M’lan thuộc xã Cư M’lan. Ngoài các chốt cố định này, một tổ liên ngành cơ động khác có nhiệm vụ tuần tra, truy quét lâm tặc trên khu vực Ea Súp thượng, khu vực cánh tây và cánh bắc của huyện. UBND huyện cũng đã kiến nghị các cơ quan Trung ương và của tỉnh có biện pháp giúp huyện giải quyết vấn đề dân di cư tự do, di dời các xưởng chế biến gỗ, hỗ trợ các lực lượng chuyên trách xử lý các vụ tập trung đông người để phá rừng và chống người thi hành công vụ. Đặc biệt, cần có giải pháp thu hồi hàng nghìn hécta đất lâm nghiệp bị xâm canh, mua bán trái phép. Có như vậy mới lập lại được trật tự trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Ea Súp.
Ý kiến bạn đọc