Multimedia Đọc Báo in

Làm giả văn bản của HĐND tỉnh để… chiếm đất rừng

14:32, 22/05/2011

Vụ việc vừa được Công ty Đầu tư Phát triển Buôn Ja Wầm (gọi tắt là Công ty Buôn Ja Wầm) phát hiện trong quá trình ngăn chặn một vụ chặt phá rừng tại khoảnh 2, tiểu khu 547A (thuộc địa bàn xã Ea Kiết, Cư M’gar).

Ngày 20-4-2011, lực lượng quản lý bảo vệ rừng của Công ty Buôn Ja Wầm phát hiện hàng chục hộ dân đang chặt phá rừng tại khoảnh 2, tiểu khu 547A. Đây là diện tích đất rừng nằm trong dự án trồng keo đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phê duyệt với tổng diện tích 140 ha và đã được triển khai trồng keo từ năm 2010. Qua kiểm tra đã xác định được diện tích cây keo bị chặt phá là 6,9 ha.

Hiện trường vụ chặt phá rừng tại tiểu khu 547A.
Hiện trường vụ chặt phá rừng tại tiểu khu 547A.

Trong quá trình lập biên bản vi phạm đối với các hộ dân này, các cán bộ của Công ty rất bất ngờ khi các hộ dân này đều xuất trình ra bản sao một tờ “thông báo” của HĐND tỉnh với nội dung (nguyên văn): “Cầu 1 đã có dân trồng cà phê kinh doanh theo luật định của Đảng phải lo đất cho dân tộc tại chỗ có đất canh tác. Hội đồng Nhân dân tỉnh Dak Lak chúng tôi đã thanh tra vùng này không có gỗ thì mở vùng kinh tế mới cho dân tại chỗ từ cầu 1 đến cầu 4 giáp Cư M’lanh từ suối lên 300m” (khu vực rừng đang bị phá – PV). Tờ “thông báo” này đề ngày 5-7-2010 do ông Khương Huy Hoàng, Phó Chánh Văn phòng HĐND tỉnh ký. Những người tham gia phá rừng đều cho rằng “thông báo” này là cơ sở pháp lý khẳng định khu vực này không phải đất rừng mà chỉ là để người dân trồng cà phê(!?) Tuy nhiên, khi được hỏi ai đã cung cấp bản sao tờ “thông báo” này thì các hộ dân này lại vòng vo, không xác định được. 

Theo quan sát của chúng tôi thì con dấu và chữ ký trong tờ “thông báo” này là thật, tuy nhiên về nội dung và thể thức văn bản là hoàn toàn không đúng theo quy định. Xác minh tại HĐND tỉnh thì được biết cơ quan này không hề phát hành một tờ “thông báo” nào có nội dung như đã nêu trên. Qua đó chứng tỏ có đối tượng đã giả mạo văn bản của HĐND tỉnh bằng cách cắt phần con dấu của HĐND và chữ ký của ông Khương Huy Hoàng, Phó Chánh Văn phòng HĐND tỉnh từ một văn bản khác để ghép vào dưới phần nội dung giả mạo như đã nêu trên.

Bản sao “thông báo” giả để lừa đảo, xúi giục người dân phá rừng. (Ảnh chụp lại)
Bản sao “thông báo” giả để lừa đảo, xúi giục người dân phá rừng. (Ảnh chụp lại)

Sau khi được cán cán bộ Công ty giải thích, phân tích rõ về tờ “thông báo” giả này, hầu hết các hộ dân tham gia phá rừng mới biết là mình đã bị… lừa. Tuy nhiên cũng có một số đối tượng ngoan cố không chấp hành mà còn thẳng thừng tuyên bố: “Đây là đất rẫy, bất cứ ai trồng cây gì lên cũng sẽ bị chặt trụi”(!) Theo nhận định của các cán bộ Công ty Buôn Ja Wầm thì mục đích làm giả giấy tờ này là để kích động, xúi giục người dân vào phá rừng, chiếm dụng đất lâm nghiệp. Ông Dương Văn Sơn, Phó Giám đốc Công ty Buôn Ja Wầm cho biết: Nguồn gốc diện tích đất lâm nghiệp này trước đây do các hộ Lý Văn Tằng (trú tại làng Mông, xã Ea Kiết, Cư M’gar) và Triệu Tài Hương cùng các con là Triệu Tài Tuấn, Triệu Tài Tú (trú xã Ea M’droh, Cư M’gar) vào phá rừng trái phép để làm rẫy. Trước đây, Công ty đã nhiều lần làm việc với các hộ này để đưa diện tích đất lâm nghiệp này vào hợp đồng trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng nhưng các hộ này cố tình chống đối nên Công ty mới tổ chức trồng rừng tập trung.

Trước đó, ngày 6-4 vừa qua, cán bộ quản lý bảo vệ rừng phát hiện các đối tượng Lý Văn Tằng, Triệu Tài Tuấn và Triệu Tài Tú đang phá rừng tại khu vực này và đã triển khai lực lượng ngăn chặn. Tuy nhiên các đối tượng này đã hung hăng chống đối và kích động, tập trung lực lượng hàng trăm người vây đánh gây thương tích cho 3 cán bộ quản lý bảo vệ rừng của Công ty Buôn Ja Wầm (Báo Dak Lak đã thông tin).
Rõ ràng, việc làm giả công văn của HĐND tỉnh để xúi giục người dân vào rừng chiếm đất là vụ việc nghiêm trọng, có dấu hiệu phạm tội làm giả con dấu, tài liệu Nhà nước và tội cố ý phá hoại tài sản Nhà nước cần phải được sớm điều tra làm rõ để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

 

Việt Hoàng

Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.