Multimedia Đọc Báo in

Vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng tại Công ty TNHH Quang Phát: Tiêu thụ trót lọt hàng nghìn mét khối gỗ lậu

09:44, 25/05/2011

Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh vừa kết thúc điều tra, chuyển toàn bộ hồ sơ sang Viện KSND tỉnh đề nghị truy tố 12 bị can trong vụ mua bán, tàng trữ gỗ trái phép tại Công ty TNHH Quang Phát (huyện Ea Súp). Quá trình điều tra cho thấy, số gỗ lậu được tuồn vào các xưởng cưa của doanh nghiệp này lên tới hơn 2.000m3, phần lớn được khai thác trái phép tại lâm phần Công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp Cư M’lan.

Mở xưởng cưa để “nuốt” gỗ lậu
Như báo Dak Lak đã thông tin, khi kiểm tra 2 xưởng chế biến gỗ của Công ty TNHH Quang Phát tại xã Ea Lê và xã Ia J’lơi (huyện Ea Súp) vào cuối tháng 6 - 2010, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ - Công an tỉnh đã phát hiện hơn 400m3 gỗ không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Sau khi khởi tố vụ án, khởi tố và bắt tạm giam 7 bị can, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã từng bước đấu tranh, làm rõ được khối lượng, nguồn gốc số gỗ mua bán trái phép cũng như các thủ đoạn “phù phép” của Công ty TNHH Quang Phát trong việc tiêu thụ số gỗ này.

Năm 2009, Công ty TNHH Quang Phát do ông Trương Văn Quang làm Giám đốc được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép mở các cơ sở sản xuất đồ mộc dân dụng tại thôn 14, xã Ea Lê và thôn 2, xã Ia J’lơi. Tuy nhiên, Công ty TNHH Quang Phát không có hoạt động sản xuất gì đáng kể ngoài việc mua gỗ lậu với giá rẻ, sau đó xẻ bán để kiếm lời. Trong thời gian từ tháng 3 - 2009 đến tháng 6 - 2010, xưởng chế biến gỗ tại xã Ea Lê của Công ty TNHH Quang Phát đã thu mua 2.186m3 gỗ (quy tròn) của các đầu nậu ở huyện Ea Súp như Phạm Thị Hải Yến, Hồ Văn Ái, Nguyễn Văn Sỹ, Nguyễn Thị Thiệu… Tại xưởng chế biến gỗ ở xã Ia J’lơi, Công ty TNHH Quang Phát cũng tuồn vào 134,3m3 gỗ của các đầu nậu khác. Tại Cơ quan CSĐT, Trương Văn Quang đã thừa nhận toàn bộ 2.320,818m3 gỗ đưa vào 2 xưởng cưa nói trên đều là gỗ không có nguồn gốc hợp pháp. Để hợp thức hóa số gỗ này, Quang đã chỉ đạo nhân viên đưa hồ sơ của các lô gỗ có nguồn gốc hợp pháp vào đánh tráo, lập lý lịch gỗ, xuất hóa đơn thuế GTGT cho khách hàng. Sau khi khách hàng vận chuyển xong mỗi chuyến gỗ, Quang nhanh chóng thu lại hóa đơn để tiêu hủy. Bằng thủ đoạn tinh vi này, Công ty TNHH Quang Phát đã tiêu thụ trót lọt hàng nghìn mét khối gỗ lậu.

Lực lượng cảnh sát kinh tế Công an tỉnh phát hiện số lượng lớn gỗ lậu tại các xưởng cưa của Công ty TNHH Quang Phát.
Lực lượng cảnh sát kinh tế Công an tỉnh phát hiện số lượng lớn gỗ lậu tại các xưởng cưa của Công ty TNHH Quang Phát.

Con voi chui lọt lỗ kim?
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh vừa đề nghị Viện KSND tỉnh truy tố 12 bị can trong vụ án này về tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng theo khoản 2, điều 175 Bộ Luật Hình sự. Trong số này có 8 bị can tại Công ty TNHH Quang Phát, gồm: Trương Văn Quang, Giám đốc; Nguyễn Văn Hoa, kế toán; Phan Văn Thắng, quản đốc xưởng cưa; Trương Văn Bình, người trông coi xưởng cưa; Đặng Lô, phụ trách kỹ thuật và Phạm Đức Dũng, Nguyễn Văn Hiện, Trần Ngọc Hải là các đối tượng chịu trách nhiệm nghiệm thu gỗ có nguồn gốc trái phép. Bốn bị can còn lại trong vụ án là các đầu nậu ở huyện Ea Súp, chuyên cung cấp gỗ lậu cho 2 xưởng cưa của Công ty TNHH Quang Phát tại xã Ea Lê và xã Ia J’lơi gồm Phạm Thị Hải Yến, Hồ Văn Ái, Nguyễn Văn Sỹ, Nguyễn Thị Thiệu.

Vấn đề được dư luận quan tâm trong vụ án này là tại sao Công ty TNHH Quang Phát và đồng bọn tổ chức khai thác, chế biến, tiêu thụ hàng nghìn mét khối gỗ lậu trong thời gian dài nhưng đơn vị chủ rừng, chính quyền các xã Ea Lê, Ia J’lơi và cơ quan chức năng của huyện Ea Súp lại ... không biết? Lời khai của các bị can cho thấy, phần lớn gỗ lậu ở Công ty TNHH Quang Phát được lâm tặc tổ chức khai thác trái phép tại các tiểu khu 249, 262 thuộc lâm phần Công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp Cư M’lan. Khám nghiệm hiện trường tại các tiểu khu này, Cơ quan CSĐT cũng phát hiện hàng trăm gốc cây đã bị chặt hạ không có dấu búa bài cây. Hơn 2.320m3 được khai thác trái phép, đưa vào 2 xưởng cưa trong một thời gian dài mà không bị phát hiện quả là điều khó hiểu. Chính vì vậy, ngoài việc đề nghị truy tố 12 bị can nói trên, hiện Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đang tiếp tục điều tra, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan nhằm đề xuất hình thức xử lý theo quy định của pháp luật.

 

Nhã Bình

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.