Điều khó hiểu từ một phiên tòa lưu động
Sáng 17- 6, TAND huyện Krông Buk đã mở phiên tòa lưu động xét xử công khai vụ án cố ý gây thương tích tại thôn 14, xã Pơng Drang, huyện Krông Buk. Phiên tòa đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân địa phương và cũng đã để lại nhiều thắc mắc, tranh cãi đối với người quan tâm đến vụ án này…
Thiếu nhân chứng và vật chứng
Sau nhiều lần tạm hoãn, sáng 17-6-2011, phiên tòa lưu động xét xử sơ thẩm công khai vụ án Nguyễn Duy Vương (SN 1989), trú tại xã Pơng Drang, huyện Krông Buk cố ý gây thương tích mới được tổ chức tại hội trường thôn 14 xã Pơng Drang. Vương bị truy tố về hành vi cố ý gây thương tích đối với người hàng xóm là anh Bùi Tấn Trí (SN 1989).
Luật sư Lưu Thị Thu Hiền, Văn phòng luật sư Hiền và liên danh (Đoàn Luật sư Dak Lak), người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Duy Vương: Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử chỉ đưa ra những suy luận về hành vi gây thương tích của bị cáo Vương mà không tập trung làm rõ việc Trí sang nhà Vương với mục đích gì? Sai phạm trong hành vi của Trí là ném đá sang nhà Vương trong ngày mồng 1 Tết, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến vụ án cũng không được nhắc đến. Bên cạnh đó, vật chứng là chứng cứ quan trọng nhất trong vụ án này để “nói lên” hành vi vi phạm của bị cáo nhưng lại không được quan tâm phân tích tại phiên tòa. |
Theo lời khai của một số nhân chứng ngay trong ngày xảy ra vụ việc thì hôm đó Trí đã 3 lần chạy sang nhà Vương để gây sự, mỗi lần sang đều có cầm dao và đá. Tuy nhiên, điều khiến nhiều người quan tâm đến vụ việc này thắc mắc là không hiểu vì sao sau các lời khai ban đầu (trong ngày xảy ra vụ án) cơ bản đã thống nhất như trên, thì những ngày tiếp theo, Công an huyện Krông Buk tiếp tục triệu hồi các nhân chứng (như chị Huỳnh Thị Thúy Hạnh, Bùi Thị Trinh, Trần Viết Bảo…) yêu cầu khai lại vụ việc trên. Và hầu hết những lời khai sau này đều trái ngược lại với lời khai trước đó(!).
Và tại phiên tòa, hầu hết những nhân chứng quan trọng trong vụ án này đều vắng mặt không rõ lý do. Chỉ duy nhất có ông Nguyễn Đức Tài, trưởng thôn 14, xã Pơng Drang là có mặt tại tòa. Tuy nhiên, ông Tài không phải là người trực tiếp có mặt tại hiện trường vụ án mà chỉ là người đại diện chính quyền địa phương đến hiện trường lập biên bản ban đầu sau khi sự việc đã xảy ra. Không chỉ thiếu nhân chứng, phiên tòa cũng chưa làm rõ vật chứng nào Vương dùng để đánh anh Trí bị thương. Cụ thể, trong biên bản thu giữ tang vật tại hiện trường ngày 14- 2- 2010 có ghi rõ phát hiện 2 chiếc cuốc sạc cỏ đều có dính vết máu ở cán, trong đó, một chiếc cuốc bị bong lưỡi cuốc khỏi cán… Tuy nhiên, cơ quan điều tra lại không nêu rõ thu giữ chiếc cuốc nào và chiếc cuốc nào là vật chính thức gây án!?
Kết thúc phiên tòa, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Nguyễn Duy Vương 5 năm tù, đồng thời buộc bị cáo phải bồi thường cho anh Trí trên 84 triệu đồng. Cũng trong phần bồi thường này, điều mà khiến ai cũng ngạc nhiên là bị cáo Vương phải chi trả 1.200.000 đồng cho anh Trí để bồi thường 150 ngày công lao động bị mất sau khi Trí ra viện. Trong khi đó, tại tòa, anh Trí cho biết trong khoảng thời gian xảy ra sự việc thì Trí đang là sinh viên một Trường Trung cấp dược ở gần nhà(!).
Không cho nhà báo tác nghiệp
Tại phiên tòa hôm đó, ngay khi vị Chủ tọa là ông Nguyễn Huy Cận (Chánh án TAND Krông Buk) tuyên bố khai mạc phiên tòa xét xử, phóng viên Lê Thành của Báo Dak Lak đã trình Giấy giới thiệu của cơ quan Báo Dak Lak cho Hội đồng xét xử trước khi tác nghiệp tại phiên tòa theo đúng quy định. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, ông Nguyễn Huy Cận không chấp nhận việc có mặt của phóng viên tham dự tòa, đồng thời nói rõ tại phiên xét xử này rằng: “Phóng viên, nhà báo không được quay phim chụp ảnh tại phiên tòa”(!?). Ngay sau đó, ông Cận còn quát lên, yêu cầu cảnh sát bảo vệ áp giải phóng viên Lê Thành ra ngoài.
Trước sự việc này, chúng tôi đã trực tiếp có ý kiến phản ánh với ông Nguyễn Duy Hữu, Chánh án TAND tỉnh và ngay lập tức ông Hữu đã có ý kiến chỉ đạo Văn phòng TAND tỉnh can thiệp để phóng viên được tác nghiệp theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, bất chấp chỉ đạo của cấp trên, HĐXX phiên tòa hôm đó vẫn kiên quyết không cho phóng viên vào tác nghiệp.
Để làm rõ lý do vì sao không cho phóng viên vào tác nghiệp tại một phiên tòa xét xử lưu động công khai, khoảng 14 giờ cùng ngày, phóng viên Lê Thành đã trực tiếp đến TAND huyện Krông Buk. Tại đây, khi tiếp xúc với phóng viên, ông Nguyễn Huy Cận liền khua tay quát tháo rồi bỏ đi vào phòng riêng. Sau đó, một vị cán bộ tại tòa thẳng thừng đuổi: “Anh đi về đi !”.
Trao đổi với chúng tôi về sự việc này, ông Nguyễn Duy Hữu, Chánh án TAND tỉnh Dak Lak nhìn nhận: “Sự việc này chúng tôi ghi nhận đã có sai sót và sẽ tiến hành nhắc nhở, khiển trách đối với những cán bộ của TAND huyện Krông Buk”. Ông Hữu cũng nhấn mạnh là đã thường xuyên nhắc nhở tòa án ở cơ sở phải tạo mọi điều kiện để phóng viên báo chí tác nghiệp theo đúng luật định, nhưng đôi khi họ không để ý... |
Ý kiến bạn đọc