Khai thác cát trái phép gây sạt lở Khu di tích tháp Yang Prong
Năm 1991, tháp Chàm Yang Prong (nằm trên địa bàn thôn 5, xã Ea Rốk, huyện Ea Súp) được Nhà Nước công nhận là Di tích văn hóa kiến trúc cấp Quốc gia. Tuy nhiên, do việc bảo tồn, gìn giữ chưa tương xứng nên thời gian gần đây, việc khai thác cát trái phép trên sông Ea H’leo đã gây sạt lở nghiêm trọng đến Khu di tích này, song, các ban ngành và chính quyền địa phương vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn.
Được bao bọc trong tán rừng già còn mang dáng dấp nguyên sinh rộng khoảng 4 ha, tháp Yang Prong không chỉ là một kiểu kiến trúc Chăm cổ trên đại ngàn Tây Nguyên mà còn là điểm tựa tâm linh của người dân nơi đây. Tuy nhiên, việc tôn tạo, gìn giữ tháp vẫn chưa được các ban, ngành và chính quyền nơi đây chú trọng, dẫn đến tình trạng tháp Yang Prong bị xuống cấp, hư hại nặng nề: thân, đỉnh tháp bị rễ cây rừng ăn sâu vào làm nứt nẻ, bong tróc nhiều phần, quanh chân móng đá vỡ nham nhở. Không có người trông coi nên mất vệ sinh trầm trọng, kể cả việc trâu bò vào… Chưa hết, hơn 1 năm nay, việc khai thác cát trái phép trên sông Ea H’leo đang hằng ngày đe dọa đến sự an nguy của Khu di tích tháp Chàm này. Ông Lê Xuân Nại, Trưởng Ban công tác mặt trận thôn 5, xã Ea Rốk cho biết, tuy phía bờ sông bên Khu di tích là đất pha cát nhưng chưa bao giờ xảy ra tình trạng sạt lở, bởi trước đây, lòng sông hẹp chỉ khoảng 30m, 2 bên bờ lại có triền cát thoai thoải rất đẹp, khách du lịch, và học sinh mỗi dịp nghỉ hè thường xuống chơi đùa, tắm nắng. Nhưng từ khi tình trạng khai thác cát diễn ra đã khoét lòng sông thêm sâu và rộng hơn (đến nay lòng sông rộng gần 50m); mùa mưa, nước lũ tràn về rất mạnh cuốn trôi nhiều diện tích Khu di tích và hoa màu của người dân. Mặc dù được bao bọc trong khuôn viên cây rừng, nhưng chỉ ở phía trước của tháp mới có cây to và gần khu dân cư nên ít bị ảnh hưởng nếu có biến cố về thời tiết, còn đằng sau tháp, nơi tiếp giáp với sông Ea H’leo (chiều dài khoảng 200m) thì chỉ có những trảng cây bụi và cây dây leo, việc khai thác cát trên đã làm thay đổi dòng chảy, bờ sông trở nên cao và hiểm trở hơn, lấn sâu vào phần khu di tích chừng 10- 15m, cách chân tháp chỉ còn hơn 20m, trong khi không có kè bờ bảo vệ. Nguy cơ nhãn tiền là chỉ trong khoảng 2 mùa mưa lũ nữa tháp Yang Tao cũng sẽ bị cuốn trôi.
Các xà lan hút cát luôn hoạt động hết công suất mỗi ngày. |
Từ thực trạng trên, mong rằng các ban, ngành chức năng huyện Ea Súp cần sớm đưa ra những giải pháp và hành động cụ thể ngăn chặn triệt để tình trạng khai thác cát trái phép trên, nhằm bảo tồn, gìn giữ Khu di tích Quốc gia này.
Tháp Chàm Yang Prong được xây dựng vào cuối thế kỷ XIII, thờ thần Siva dưới dạng Mukhalinga, cầu mong sự nảy nở của giống nòi và ấm no hạnh phúc. Tháp Yang Prong là một khối kiến trúc bằng gạch nung đỏ trên nền cao bằng đá xanh. Tháp cao 9m, có đáy vuông, mỗi mặt tường ngoài là 3 cửa giả, một cửa chính duy nhất mở về hướng Ðông, nơi ngự trị của các vị thần linh. Phía trên mở rộng và thon vút hình tháp bút, khác biệt với kiến trúc của các tháp Chàm khác ở Trung Bộ. Hiện nay đây là điểm thu hút nhiều nhà nghiên cứu và khách du lịch khi đến với cao nguyên. |
Ý kiến bạn đọc