Multimedia Đọc Báo in

LUẬT BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG

Chính người tiêu dùng phải hiểu về quyền của mình

08:05, 01/07/2011

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực từ 1-7-2011 đã quy định người tiêu dùng có 8 quyền cơ bản. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay còn rất nhiều người tiêu dùng vẫn còn xa lạ, mơ hồ về các quyền lợi và đang tự “tước quyền” của chính mình.

Người tiêu dùng mơ hồ về quyền lợi của mình
Chị Trịnh Thị Nga ở đường Mai Hắc Đế (TP. Buôn Ma Thuột) mua một thùng nước uống tinh khiết về, vừa bóc lớp nilon ra rót được vài ly thì phát hiện trong thùng nước có tạp chất trôi lởn vởn. Sợ quá, chị đành đổ nước, đi trả thùng và từ đó không dám dùng nước đóng thùng nữa. “Vì mình đã bóc niêm phong ra rồi nên không còn quy trách nhiệm cho ai được, người bán hàng thì cũng cười trừ thôi vì họ đâu phải nhà sản xuất!”- chị Nga bày tỏ.

Anh Võ Hải ở xã Ea Kly (huyện Krông Pak) mua một tấn phân bón vi sinh về bón cà phê nhưng một thời gian sau mới phát hiện ra phân giả vì không thấy cây có chuyển biến gì khác, đành ngậm ngùi: “Loại trừ hãng phân đó ra khỏi danh sách mua hàng lần sau chứ biết kêu ai? Kêu ở đâu? Ai xử lý? Trong khi bằng chứng mình không có nữa?”.

Hay như anh Nguyễn Văn Viết ở đường Hùng Vương (TP. Buôn Ma Thuột) nghe theo quảng cáo trên truyền hình mua khuyên tai Zerosmoke với giá 750.000 đồng (giao hàng miễn phí tại nhà). Anh Viết cho biết: Sau 2 tháng đeo khuyên tai theo đúng hướng dẫn và cố tình rút bớt lượng thuốc hút nhưng tôi vẫn không thấy có một chút dấu hiệu nào của chán hút thuốc và giảm nghiện như trong quảng cáo “chỉ sau 14 ngày hết nghiện”. Bị mất oan một khoản tiền lớn mà không thể kêu ai được, thật tức.

Người tiêu dùng không chỉ ấm ức vì mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng mà một vấn nạn nữa cũng đang thường xuyên “đánh” vào họ là nạn cân thiếu, cân “điêu” ở các chợ đang rất phổ biến. Người tiêu dùng hàng ngày đi chợ trong thời bão giá vẫn bị người bán hàng “móc túi” công khai mà không biết làm gì, không thể kêu ai vì rất hiếm chợ có cân đối chứng và nếu có thì cũng ít ai quan tâm, giải quyết những việc “nhỏ nhặt” ấy.

Theo khảo sát năm 2010 của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas), thì có tới 62% số người tiêu dùng mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. Tuy nhiên, theo Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Dak Lak thì từ tháng 6-2010 đến 6-2011, Hội mới chỉ tiếp nhận được chưa đầy 20 hồ sơ khiếu nại của người tiêu dùng. Rõ ràng đây là con số quá khiêm tốn so với thực tế mà người tiêu dùng bị thiệt hại. Nguyên nhân chính là do người tiêu dùng còn xa lạ với quyền lợi của mình, tâm lý ngại va chạm, sợ phiền hà, sợ mất thời gian và không biết việc khiếu nại có mang lại kết quả gì không hay chỉ thêm rắc rối?... Những suy nghĩ đó khiến đa số người tiêu dùng bỏ qua lỗi vi phạm của nhà sản xuất, kinh doanh, và để mặc cho quyền lợi của mình bị xâm hại.

Người tiêu dùng đang xem hàng trưng bày.
Người tiêu dùng đang xem hàng trưng bày.

Người tiêu dùng cần hiểu rõ quyền của mình và đòi hỏi được bảo vệ quyền lợi
Ông Ngô Trọng Cảnh, Thư ký Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (HBVQLNTD) cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2011 Hội đã nhận được 9 đơn khiếu nại của khách hàng (chủ yếu khiếu nại về hàng giả, hàng kém chất lượng) và đã nhanh chóng giải quyết các vụ việc. Trong đó 6 vụ do không đủ chứng cứ xác đáng nên Hội đã tổ chức hòa giải giữa người khiếu nại và bên sản xuất, kinh doanh; 2 vụ được bồi thường số tiền 23 triệu đồng. Cụ thể: trường hợp đơn khiếu nại của khách hàng Nguyễn Thị Quyết ở đường Lê Thánh Tông, phường Tân Lợi (TP. Buôn Ma Thuột) trình bày: tháng 3-2011, chị mua lốc nước ngọt Dr. Thanh tại Đại lý Ngọc Khánh của Công ty Tân Hiệp Phát  trên đường Nguyễn Tất Thành (TP. Buôn Ma Thuột). Khi sử dụng thì phát hiện chai bị nổi váng, cặn bẩn (trong khi còn hạn sử dụng), còn nguyên nắp (4 chai). Ngay sau khi nhận được khiếu nại, Hội đã tiến hành làm việc với Giám đốc Maketting Công ty TNHH Tân Hiệp Phát. Vị đại diện Công ty  đã xin lỗi người tiêu dùng, hứa có biện pháp kiểm soát quy trình sản xuất tốt hơn và bồi thường 8 triệu đồng cho khách hàng (bởi những tổn thất về uy tín trong kinh doanh cà phê, nước giải khát của gia đình chị Quyết). Trường hợp khách hàng thứ 2 được bồi thường là ông Phùng Sỹ ở đường Nam Quốc Cang (TP. Buôn Ma Thuột) khiếu nại: ngày 11-6-2011 mua 5 bịch sữa tươi  có đường Cô gái Hà Lan (của Công ty FrieslandCampina Việt Nam) tại Siêu thị Coop Mart (Buôn Ma Thuột). Sau khi cho con nhỏ uống 2 bịch thì cháu bị đau bụng. Ngày tiếp theo thấy bịch sữa tự nhiên căng phồng lên và nổ ra, có mùi hôi thối khó chịu. Ngày 16-6 khách hàng đã cầm 2 bịch sữa còn lại đến khiếu nại tại Hội. Ngày 17-6 Hội BVQLNTD Dak Lak đã làm việc với đại diện Siêu thị Coop Mart và được hứa sẽ làm việc lại với Nhà sản xuất, kiểm soát hàng đầu vào chặt chẽ hơn… trên cơ sở thống nhất những sai sót trong kinh doanh, xin lỗi khách hàng và chấp nhận bồi thường 15 triệu đồng mà người tiêu dùng đưa ra…

Không riêng chỉ những khách hàng được bồi thường thiệt hại mà đa số những người khiếu nại khi được hỏi đều rất thỏa mãn với cách giải quyết, hòa giải của Hội BVQLNTD tỉnh vì ít ra cũng giải tỏa được tâm lý bị “lừa” và cái quyền được bảo vệ của mình. Hơn thế nữa, điều quan trọng mà họ mong muốn là đơn vị sản xuất, kinh doanh phải chỉnh đốn lại hành vi hoạt động của mình để phục vụ khách hàng tốt hơn… Nhiều trường hợp khi gặp sự cố với hàng hóa, người tiêu dùng tìm đến các tổ chức hội mới biết bản thân mình đã bỏ qua quyền lợi của mình. Ông Cảnh nói thêm: Người tiêu dùng là người bỏ tiền ra mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ là người quyết định sự thành công hay thất bại của doanh nghiệp. Vì thế vai trò của người tiêu dùng rất lớn. Hiện nay, nhận thức về quyền của người tiêu dùng trong xã hội chưa đầy đủ nên chịu nhiều thiệt thòi. Không ai có thể bảo vệ tốt hơn chính người tiêu dùng tự bảo vệ mình, việc nâng cao nhận thức để xác định vai trò, vị trí của người tiêu dùng trong xã hội là việc làm cấp bách không chỉ đối với bản thân người tiêu dùng mà cả cộng đồng, xã hội… Trong thời gian tới, Hội BVQLNTD tỉnh sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan để triển khai tuyên truyền các nội dung của Luật để các tổ chức, cá nhân kinh doanh, các hội viên và người tiêu dùng có thể hiểu được các quy định trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, để từ đó thực hiện đúng và đầy đủ các quy định trong Luật. Việc tuyên truyền có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như: thông qua các hội nghị, hội thảo để phổ biến Luật, thông qua website, các tờ rơi, ấn phẩm, các chương trình, bài viết trên các phương tiện thông tin đại chúng…

Minh Quân

Ý kiến bạn đọc