Kết quả sau 5 năm triển khai Luật Trợ giúp pháp lý tại tỉnh ta
Năm 2006, Luật Trợ giúp pháp lý được ban hành. Từ đó đến nay, với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và sự nỗ lực của ngành tư pháp, việc triển khai Luật Trợ giúp pháp lý tại tỉnh ta đã đạt được những kết quả đáng khích lệ: Mạng lưới tổ chức, cán bộ thực hiện trợ giúp pháp lý đã được hình thành đến tận cơ sở; đã có hàng nghìn lượt người được trợ giúp pháp lý bằng nhiều hình thức, nhận thức của cán bộ, nhân dân về công tác trợ giúp pháp lý đã được nâng lên.
Để có được kết quả này, trước tiên phải kể đến việc xây dựng hệ thống các văn bản hướng dẫn chỉ đạo triển khai công tác trợ giúp pháp lý tại tỉnh với hàng chục văn bản dưới các hình thức Quyết định, Chỉ thị, Kế hoạch, Chương trình về chỉ đạo triển khai công tác trợ giúp pháp lý của UBND tỉnh và các ngành làm cơ sở cho việc tổ chức thực hiện công tác này.
Bên cạnh đó, việc phổ biến, quán triệt, tuyên truyền các văn bản chính sách trợ giúp pháp lý cũng được chú trọng. Gần 200 nghìn tờ rơi, tờ gấp pháp luật giới thiệu nội dung cơ bản của Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, các quy định pháp luật liên quan thiết thực đến cuộc sống người dân đã được cấp phát tận cơ sở; các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn đã phát hành nhiều chuyên mục, chương trình, bản tin nhằm tuyên truyền rộng rãi nội dung của Luật đến người dân. Đã có 160 bảng thông tin về trợ giúp pháp lý và các hộp tin trợ giúp pháp lý được lắp đặt tại các cơ quan tố tụng, Phòng Tư pháp theo Chương trình phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng giữa Công an tỉnh, Viện KSND tỉnh, Sở Tài chính, TAND tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh để hỗ trợ cho các đối tượng thụ hưởng chính sách trợ giúp pháp lý.
Ngoài ra, việc xây dựng, củng cố mạng lưới, kiện toàn, tổ chức bộ máy và biên chế cho hoạt động trợ giúp pháp lý cũng được quan tâm: Hiện nay, ngoài Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh với hơn 20 cán bộ, công chức, viên chức, mạng lưới trợ giúp pháp lý đã được hình thành với Chi nhánh trợ giúp pháp lý số 1 tại thị trấn Phước An (huyện Krông Pak) và Chi nhánh trợ giúp pháp lý số 2 tại huyện Cư Kuin. Tính đến cuối năm 2010, tỉnh đã có 5 tổ chức đăng ký tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý (gồm 4 Văn phòng Luật sư, Trung tâm Tư vấn pháp luật của Hội Luật gia), với đôi ngũ cộng tác viên trợ giúp pháp lý trên toàn tỉnh là 109 người, trong đó có 21 luật sư, cán bộ công tác tại các cơ quan tố tụng và các ngành của tỉnh. Tỉnh cũng đã thành lập được 14 Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý (trong đó có 2 Câu lạc bộ thuộc Quỹ trợ giúp pháp lý, 4 Câu lạc bộ trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và 8 Câu lạc bộ thuộc Dự án) và 25 Điểm trợ giúp pháp lý tại một số Phòng Tư pháp cấp huyện và Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý… bước đầu đã hỗ trợ tích cực cho đối tượng hưởng trợ giúp pháp lý tại cơ sở. Tỉnh còn tổ chức được 46 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng trợ giúp pháp lý, tập huấn kiến thức pháp luật cho hơn 5.000 người là thành viên Ban chủ nhiệm các Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, chuyên viên, cộng tác viên, già làng, trưởng thôn, buôn, cán bộ hòa giải cơ sở.
Nhờ vậy, sau gần 5 năm kể từ khi Luật Trợ giúp pháp lý có hiệu lực thi hành, tỉnh đã thực hiện trợ giúp pháp lý được 5.287 vụ việc cho 5.287 lượt người. Riêng về hình thức đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho đối tượng trợ giúp pháp lý, Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh đã thụ lý và giải quyết được 165 vụ việc. Các trợ giúp viên, luật sư được cử tham gia tố tụng đều có tinh thần trách nhiệm, chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý ngày càng được nâng lên. Tỉnh cũng đã tổ chức được 205 đợt trợ giúp pháp lý lưu động tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các xã biên giới… thu hút hơn 18.000 lượt người tham dự. Đặc biệt, với Chương trình phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng, Trung tâm đã thực hiện gần 100 vụ việc trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia tố tụng cho hơn 100 đối tượng; trong đó, hàng chục vụ việc do cơ quan tiến hành tố tụng giới thiệu và đề nghị Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh cử trợ giúp viên pháp lý, luật sư cộng tác viên tham gia tố tụng. (chiếm tỷ lệ 24%); Việc hướng dẫn cho đối tượng về quyền và nghĩa vụ của người được trợ giúp pháp lý, thông báo và hướng dẫn cho những người bị bắt liên hệ đến Trung tâm để cử người bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho các đối tượng thụ hưởng trợ giúp pháp lý, cấp giấy chứng nhận bào chữa ... đã được thực hiện thường xuyên. Công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý bước đầu được triển khai: Năm 2010, Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh đã thành lập Tổ đánh giá chất lượng vụ việc và bước đầu đã tổ chức đánh giá đối với 100% vụ việc do cộng tác viên thực hiện ở mọi hình thức trợ giúp pháp lý và các vụ việc tham gia tố tụng, hòa giải do trợ giúp viên pháp lý thực hiện.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh vẫn còn những trở ngại, hạn chế cần khắc phục đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý chiếm tỷ lệ lớn trong khi đội ngũ cán bộ trợ giúp pháp lý còn thiếu và yếu, trình độ, năng lực chưa đáp ứng nhu cầu của nhân dân; đội ngũ cộng tác viên vẫn còn mỏng, phần lớn kiêm nhiệm… nên chưa dành nhiều thời gian tham gia vào công tác trợ giúp pháp lý; một số hoạt động trợ giúp pháp lý quan trọng như tham gia tố tụng, hòa giải, đại diện ngoài tố tụng, kiến nghị … còn ít so với nhu cầu thực tế; hoạt động của Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý chưa đồng đều, sinh hoạt chưa thường xuyên, chưa thực sự được chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ hoạt động. Bên cạnh đó, việc đăng ký của các tổ chức hành nghề luật sư tham gia trợ giúp pháp lý chiếm tỷ lệ thấp, tổ chức tư vấn pháp luật trên địa bàn tỉnh còn ít; một số luật sư, tư vấn viên pháp luật chưa nhiệt tình với hoạt động trợ giúp pháp lý bởi mức thù lao quá thấp, nhiều chính sách liên quan đến xã hội hóa dịch vụ công hiện vẫn chưa được áp dụng đối với các tổ chức này…
Nhìn chung, sau gần 5 năm triển khai Luật Trợ giúp pháp lý, công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh ta đã đạt được kết quả khả quan, khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước về trợ giúp pháp lý miễn phí cho đối tượng chính sách, người nghèo, nhanh chóng mang lại các lợi ích thiết thực cho các đối tượng được thụ hưởng, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số; góp phần tích cực vào quá trình thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng và an ninh, đưa pháp luật vào cuộc sống. Để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý ở địa phương, cần có sự quan tâm sâu sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự nỗ lực của đội ngũ làm công tác trợ giúp pháp lý; đồng thời cần có những giải pháp cụ thể đổi mới hoạt động trợ giúp pháp lý (thu hút nhân lực có trình độ) trong thời gian tới.
Ý kiến bạn đọc