Cần quy định cụ thể về chế định bào chữa viên nhân dân khi họ tham gia tố tụng tại các phiên tòa
Năm 1945, khi mới giành được độc lập, đất nước còn rất nhiều khó khăn nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghĩ ngay đến việc phải làm thế nào để xây dựng đội ngũ những người có trình độ kiến thức, hoạt động độc lập đứng ra bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân trước các phiên tòa của chế độ mới. Vì vậy, ngày 10-10-1945, Người thay mặt Chính phủ lâm thời ban hành Sắc lệnh số 46-SL quy định tổ chức các đoàn thể luật sư và đặc biệt đến ngày 18-6-1949, Bác đã ban hành Sắc lệnh số 69-SL cho phép các bị can có thể nhờ một công dân không phải là luật sư bênh vực cho mình trước các Tòa án - sau này gọi là các bào chữa viên nhân dân (BCVND).
Việc ban hành Sắc lệnh số 69 thể hiện tầm nhìn xa, trông rộng, tư duy tuyệt vời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời qua đó cũng thể hiện tính ưu việt của chế độ mới - nơi đó mọi người đều bình đẳng như nhau trước pháp luật, không phân biệt xuất thân, thành phần, dân tộc, giai cấp...
Tuy nhiên, từ đó đến nay chế định BCVND chưa được cụ thể hóa, quy định chi tiết ở bất cứ văn bản pháp luật nào. Do chưa có quy định về những người này nên hầu như chưa có sự tham gia của các BCVND tại các phiên tòa kể cả hình sự lẫn dân sự, hành chính... Tại điểm c Điều 56 của Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về người bào chữa, trong đó có nêu sự tham gia của BCVND trong các phiên tòa để bảo vệ quyền lợi cho bị can, bị cáo, người bị hại...và tại khoản 3 Điều 57 Luật này quy định: "Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận có quyền cử bào chữa viên nhân dân để bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là thành viên của tổ chức mình". Tuy nhiên, những người được gọi là BCVND này thực tế là người của các tổ chức đoàn thể đứng ra bào chữa cho thành viên của tổ chức mình như: Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân...; còn những người không tham gia tổ chức nào thì rất khó tìm người bào chữa với tư cách BCVND. Ngay cả khi là thành viên của một số tổ chức nêu trên cũng rất ít trường hợp được các tổ chức đó cử BCVND tham gia tố tụng. Hiện nay chưa có quy định nào cụ thể, chi tiết về BCVND như về điều kiện, tiêu chuẩn để được công nhận là BCVND; ai có thẩm quyền công nhận và mức độ, sự tham gia của họ tại các phiên tòa cũng như quyền, nghĩa vụ của đội ngũ BCVND khi tham gia tố tụng...
Tại một số tỉnh, thành phố có đội ngũ luật sư còn ít (chủ yếu ở những địa phương vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn) thì rất khó khăn trong việc mời luật sư tham gia tố tụng tại các phiên tòa. Bên cạnh đó, đội ngũ trợ giúp viên pháp lý tại các Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước các tỉnh cũng còn rất mỏng, năng lực, chuyên môn nghiệp vụ chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, nếu có thì cũng chỉ phục vụ cho một số ít đối tượng như người nghèo, đối tượng chính sách, người đồng bào dân tộc thiểu số...theo quy định của pháp luật... Trong khi đó rất nhiều vụ án cần phải có luật sư bào chữa cho các bị cáo như người bị truy tố với mức án đến chung thân, tử hình, trẻ em vị thành niên... thì việc sử dụng đội ngũ BCVND tham gia các phiên tòa là rất cần thiết và cấp bách hiện nay. Trong nhiều trường hợp do không mời được luật sư để bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo theo quy định của luật tố tụng mà rất nhiều phiên tòa phải hoãn để... chờ tìm luật sư, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động tố tụng và quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự, bị can, bị cáo...
Thiết nghĩ, để sớm xây dựng được đội ngũ BCVND xứng tầm với yêu cầu của nhiệm vụ trong tình hình mới, các cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành văn bản quy định về BCVND- tương tự như quy định về luật sư. Từ đó, tạo ra cơ sở pháp lý để phát huy hơn nữa vai trò của đội ngũ BCVND trong hoạt động tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Ý kiến bạn đọc