Multimedia Đọc Báo in

Hàng chục lâm tặc tấn công kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô

16:56, 16/10/2011

Ngày 10-10, Tổ công tác của Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, huyện Ea Kar gồm các anh: Lê Xuân Tùng, Tổ phó Tổ Kiểm lâm cơ động, Nguyễn Tiến Thuật, kiểm lâm viên Tổ Kiểm lâm cơ động; Nguyễn Kim Anh, kiểm lâm viên Trạm Kiểm lâm số 2; Võ Đức Mỹ, kiểm lâm viên Trạm Kiểm lâm số 8; Bùi Đức Hiếu, kiểm lâm viên Trạm Kiểm lâm số 6 và Vi Văn Thiếm, kiểm lâm viên Trạm Kiểm lâm số 2 đi tuần tra, truy quét lâm tặc tại các tiểu khu 616, 617, 618 là khu vực giáp ranh với xã Ia D’reh, huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai).

Lúc 19 giờ 5 phút cùng ngày, tại tiểu khu 617, Tổ công tác bắt giữ 14 xe gắn máy, hơn 2m3 gỗ hương đã xẻ hộp, 5 cưa máy của các đối tượng trú tại huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai. Do khoảng cách về Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô quá xa, đường sá lầy lội nên Tổ công tác chỉ thu giữ gỗ và cưa máy, cho các đối tượng đưa xe về. Đúng lúc đó, từ trong rừng có hơn 30 đối tượng đi trên 17 xe gắn máy tràn ra, dùng gậy gộc tấn công tới tấp vào lực lượng kiểm lâm. Cả 6 người trong Tổ công tác đều bị thương, riêng anh Lê Xuân Tùng bị nhiều vết thương ở phần mềm và một vết thương gây toạc vùng đỉnh đầu, chảy nhiều máu. Sau khi hành hung kiểm lâm, nhóm lâm tặc còn cướp 5 cưa xăng, nổ súng thị uy rồi mới bỏ đi. Ngay trong đêm, Tổ công tác đã đưa anh Lê Xuân Tùng đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Sông Hinh (tỉnh Phú Yên), đến sáng ngày 11-10 mới chuyển về Bệnh viện Đa khoa khu vực 333 (huyện Ea Kar) với vết thương dài 7cm, sâu 1cm trên đầu phải khâu 7 mũi. Tổ công tác đã xác định các đối tượng này đều trú tại xã Ea Bar, huyện Sông Hinh vì trước đó chúng đã nhiều lần đe dọa hành hung kiểm lâm Ea Sô. Sau khi tổ công tác đưa anh Tùng đi cấp cứu, nhóm lâm tặc Sông Hinh đã quay lại tẩu tán hết số gỗ này. Ngày 11-10, lãnh đạo Ban quản lý dự án Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô đã làm việc với cơ quan chức năng của huyện Sông Hinh đề nghị xử lý nghiêm các đối tượng trên về hành vi khai thác gỗ trái phép và chống người thi hành công vụ.

Đặng Trung Kiên

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.