Multimedia Đọc Báo in

Không phát mãi được vì tài sản thế chấp bị tranh chấp

09:56, 19/10/2011
Ngày 10-9-2011, Công ty Cổ phần Dịch vụ đấu giá Trung Nam thông báo ngày 4-10 sẽ tổ chức bán đấu giá tài sản theo yêu cầu của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Kim Ngân. Tài sản đấu giá thuôc sở hữu của ông Nguyễn Văn Thảo và bà Nguyễn Thị Tịnh (637 Lê Duẩn, phường Ea Tam, TP.Buôn Ma Thuột) gồm: 1 lô đất ở diện tích 300m2 cùng căn nhà 120m2, và 1 lô đất nông nghiệp diện tích hơn 4.600 m2. Tuy nhiên sau một thời gian thông báo, phát hiện tài sản phát mãi đang bị tranh chấp nên nhiều người có ý định đấu giá bỏ cuộc, đơn vị tổ chức bán đấu giá đã trả lại hồ sơ cho Ngân hàng.
 
Việc cá nhân vay vốn Ngân hàng nhưng không có khả năng hoàn trả và Ngân hàng cho phát mãi tài sản thế chấp là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên điều không bình thường ở đây là quy trình cho vay. Cụ thể, 2 lô đất  nói trên đã bị tranh chấp từ năm 2008 giữa bà Nguyễn Thị Khuê và ông Nguyễn Văn Thảo. Đến ngày 22 -12 - 2009, do không đồng ý với các quyết định giải quyết của UBND TP.Buôn Ma Thuột, bà Khuê đã kiện UBND TP.Buôn Ma Thuột ra tòa hành chính để đòi lại 1/2 lô đất ở và toàn bộ lô đất nông nghiệp. Thế nhưng trong tháng 2, đầu tháng 3-2010, trong khi TAND TP.Buôn Ma Thuột đang thụ lý vụ kiện, UBND TP.Buôn Ma Thuột cũng đang nghiên cứu hồ sơ vụ việc để giải quyết thì Ngân hàng Kim Ngân vẫn cho một cá nhân vay một số tiền không nhỏ (3 tỉ đồng) trong bối cảnh thực hiện chính sách xiết chặt tín dụng, với tài sản bảo đảm chỉ là 2 lô đất đang bị tranh chấp nói trên. (Sau này, phiên tòa hành chính phúc thẩm ngày 17-9-2010 của TAND tỉnh đã xác định Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Thảo được UBND TP.Buôn Ma Thuột ký cấp không phải trên cơ sở giấy tờ gốc mà chỉ là bản phô tô giấy tờ gốc bị tẩy xóa sửa chữa tứ cận chồng lấn lên đất của bà Khuê).
 
Được biết hiện nay vụ tranh chấp vẫn chưa có hồi kết (do có kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm) nên việc thu hồi vốn của Ngân hàng Kim Ngân sẽ còn dây dưa kéo dài, và vẫn còn đó nguy cơ thất thoát vốn tín dụng của Nhà nước. Sự việc trên đây cần được ngành Ngân hàng xem xét tìm ra nguyên nhân, rút bài học kinh nghiệm cả về việc thẩm định tài sản thế chấp cũng như mục đích vay vốn (vì người vay không hề hoàn trả một đồng vốn nào) để cảnh báo những rủi ro tín dụng có thể xảy ra đối với các ngân hàng thương mại nói chung.
                           Thế Nhân

Ý kiến bạn đọc