Hiệp định TRIPS và pháp luật Việt Nam về sở hữu trí tuệ
Vấn đề sở hữu trí tuệ đã được đề cập đến từ lâu trong luật pháp quốc tế, ở nước ta cũng không phải là điều quá mới mẻ. Tuy nhiên, dường như nó chưa trở thành mối quan tâm thường xuyên, mặc dù chúng ta đã đi qua một chặng đường khá dài trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Gần đây, liên tiếp các thương hiệu nổi tiếng trong nước bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ở nước ngoài đã minh chứng cho điều này.
Các Điều ước quốc tế như Công ước Paris 1883, Công ước Berne 1886, Công ước Rome 1961...đều đã khẳng định vai trò quan trọng của sở hữu trí tuệ trong sản xuất, kinh doanh thương mại. Đặc biệt, Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của các quyền sở hữu trí tuệ (Hiệp định TRIPS) trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) được ký ngày 15-4-1994 đã làm thay đổi bộ mặt của hệ thống sở hữu trí tuệ thế giới. Hiệp định TRIPS là một Hiệp định đa phương toàn diện nhất cho đến thời điểm hiện nay về sở hữu trí tuệ. Phạm vi điều chỉnh của Hiệp định TRIPS rất rộng, trong đó bao gồm nhiều lĩnh vực sở hữu trí tuệ như: quyền tác giả, nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiêp... đã được quy định một cách cụ thể. Khi tham gia vào Hiệp định TRIPS-WTO, các nước thành viên có nghĩa vụ dành cho công dân của nước thành viên khác sự bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ một cách đầy đủ và có hiệu quả. Việc một nước thành viên không tuân thủ các nghĩa vụ theo Hiệp định TRIPS có thể đẩy mình đối diện với những phán quyết bất lợi của WTO trong hoạt động thương mại.
Khi Việt Nam nộp đơn xin gia nhập WTO (năm 1995) có rất nhiều trở ngại cần phải giải quyết, đặc biệt là hệ thống pháp luật trong nước. Yêu cầu đặt ra là phải đổi mới và hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó có hệ thống sở hữu trí tuệ theo hướng phù hợp với các tiêu chuẩn của Hiệp định TRIPS-WTO. Như chúng ta biết, tại thời điểm 1995, hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ chủ yếu là những văn bản dưới luật (hiệu lực pháp lý không cao) như Pháp lệnh Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp 1989, Pháp lệnh Bảo hộ quyền tác giả 1994..., nội dung cũng còn nhiều điểm chưa phù hợp, chưa đầy đủ theo thông lệ quốc tế.
Ngày 28-10-1995, Bộ Luật Dân sự (BLDS) được Quốc hội khóa IX, kỳ họp thứ 8 thông qua đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Lần đầu tiên, quyền sở hữu trí tuệ được thừa nhận như là một quyền dân sự (quy định tại phần VI của Bộ luật) và được cơ quan quyền lực cao nhất thông qua. Tuy vậy, một số đối tượng sở hữu trí tuệ đã được Hiệp định TRIPS bảo hộ nhưng vẫn chưa được quy định trong Bộ luật này như tên thương mại, thông tin bí mật, chỉ dẫn địa lý... với lý do “chưa có thực tiễn” ở nước ta. Những năm sau đó, bằng những Nghị định của Chính phủ, dần dần Việt Nam đã có quy định về các lĩnh vực này và cơ bản đạt được các yêu cầu của Hiệp định TRIPS về một hệ thống văn bản đầy đủ để bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Năm 2005, Bộ Luật Dân sự mới đã được ban hành thay thế cho BLDS 1995, các quy định về sở hữu trí tuệ tiếp tục khẳng định theo hướng là những “quy định gốc” làm cơ sở cho việc ban hành một đạo luật riêng về lĩnh vực này. Cũng trong năm 2005, Luật Sở hữu trí tuệ đã được Quốc hội thông qua (tiếp tục được sửa đổi, bổ sung vào năm 2009) đã thể hiện quyết tâm của Nhà nước trong việc thúc đẩy bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và tích cực hội nhập quốc tế.
Việc ban hành Luật Sở hữu trí tuệ và một loạt các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo ra một hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ và là hành lang pháp lý an toàn, khuyến khích các hoạt động sáng tạo và bảo hộ thành quả của lao động sáng tạo. Điều quan trọng nữa là tạo ra sự phù hợp hơn của các quy định về sở hữu trí tuệ với các chuẩn mực quốc tế, các cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO.
Như vậy có thể khẳng định rằng, chúng ta đã có một hành lang pháp lý tương đối đầy đủ và an toàn, một công cụ pháp lý hữu hiệu trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ khi hội nhập kinh tế quốc tế. Vấn đề ở chỗ là chúng ta có quan tâm thường xuyên, có nghiên cứu kỹ lưỡng để bảo vệ tài sản trí tuệ của mình một cách hữu hiệu hay không mà thôi. Mong sao đừng để tiếp tục xảy ra cảnh “mất bò mới lo làm chuồng” rất vất vả và tốn kém như đã từng xảy ra với những thương hiệu, sản phẩm nổi tiếng vừa qua.
Trương Thị Hiền
Ý kiến bạn đọc