Cán bộ ngân hàng vi phạm pháp luật… S.O.S!
Trong vài năm gần đây, tình trạng cán bộ ngân hàng (NH) vi phạm pháp luật có chiều hướng gia tăng cả về số lượng và mức độ, đến mức Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh phải “lên tiếng” kiến nghị các đơn vị có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phòng ngừa và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Cần quan tâm hơn nữa công tác giáo dục cán bộ ngân hàng. (Ảnh minh họa) |
Nói về tình trạng cán bộ NH vi phạm pháp luật trong thời gian gần đây, nhiều người đã phải thốt lên rằng, chưa bao giờ việc này lại xảy ra đến mức tràn lan và nghiêm trọng đến thế. Điểm lại một số vụ cho thấy, hành vi vi phạm thể hiện rõ tính liều lĩnh, xem thường pháp luật. Vụ việc thu hút sự quan tâm của nhiều người nhất có thể kể đến là vụ Võ Thị Hồng Điệp, cán bộ NH NN&PTNT Chi nhánh Tân Lập (trực thuộc NH NN&PTNT, Chi nhánh Buôn Hồ). Với cái “mác” là cán bộ tín dụng NH và được sự giúp sức trực tiếp từ một số lãnh đạo đơn vị mình đang công tác, bà Điệp đã huy động vốn từ nhiều người, thậm chí còn lấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của khách hàng đang thế chấp vay vốn tại NH ra ngoài cầm cố chiếm đoạt tài sản. Khi vụ việc bị phát hiện, bà Điệp đã chiếm đoạt trên 23 tỷ đồng của hơn chục hộ gia đình và 920 triệu đồng của Chi nhánh Tân Lập. Một vụ việc khác cũng không kém phần nghiêm trọng, đó là vụ Trưởng phòng giao dịch và ngân quỹ, Chi nhánh NH Á Châu Dak Lak Đỗ Thị Thanh Loan bị bắt vì liên quan đến việc chuyển 20 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm của khách hàng vào tài khoản của cá nhân mình để chiếm đoạt (ngày 17-3-2012, Công an Dak Lak đã tiến hành bắt khẩn cấp bà Loan). Và, mới đây nhất, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh đã thực hiện lệnh bắt và khám xét khẩn cấp đối với ông Trương Tấn Vương (nguyên Giám đốc Phòng giao dịch Techcombank Nơ Trang Lơng, thuộc NH Thương mại Cổ phần Kỹ thương, chi nhánh Dak Lak) về hành vi lập hồ sơ vay vốn giả để rút tiền NH bỏ túi, sử dụng con dấu của phòng Giao dịch để lừa đảo chiếm đoạt tài sản người khác thông qua các hợp đồng nhận tiền gửi. Theo Quyết định sa thải lao động được Tổng giám đốc Techcombank ký trước đó, thì ông Vương có hành vi “cố ý giả mạo, làm sai lệch hồ sơ, tài liệu cần phê duyệt, có mục đích trục lợi, tư lợi”.
Tình trạng cán bộ NH vi phạm pháp luật nghiêm trọng đến mức Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh có văn bản đề nghị Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Dak Lak (NHNN) và các tổ chức tín dụng (TCTD) phải có biện pháp phòng ngừa, xử lý vi phạm một cách hữu hiệu. Theo văn bản trên, thời gian gần đây, tình hình vi phạm và tội phạm trong hoạt động của các TCTD trên địa bàn tỉnh diễn ra ngày càng phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Chỉ tính riêng ở cấp tỉnh, trong 3 năm (từ 2009 – 2011), Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã khởi tố điều tra 10 vụ án hình sự có liên quan đến cán bộ NH, trong đó vi phạm chủ yếu là cán bộ NH để lộ tên truy nhập, mật khẩu, vi phạm quy chế an toàn bảo mật hệ thống công nghệ thông tin trong ngành; thiếu trách nhiệm trong việc quản lý hồ sơ thế chấp, để nhân viên lợi dụng sơ hở lấy hồ sơ thế chấp lập hồ sơ vay mới hoặc đem đi cầm cố lừa đảo chiếm đoạt tiền của người dân; thực hiện không đúng các quy định của NH về thẩm định tài sản thế chấp, phương án kinh doanh, tình hình tài chính của khách hàng và quy định của NH Nhà nước về trình tự, thủ tục cho vay…
Trên thực tế, số trường hợp nêu trên chỉ là bề nổi của tảng băng về thực trạng vi phạm, số trường hợp “chưa bị lộ” vẫn còn không ít. Một ngày giữa tháng 5-2012, theo lời giới thiệu của một số khách hàng, chúng tôi thử liên lạc với một cán bộ NH tên Q. để dò hỏi việc vay vốn. Chỉ mới nghe chúng tôi nói tổng số tiền cần vay và tài sản thế chấp là căn nhà tọa lạc trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, người này đã ra giá số tiền hoa hồng phải chi là 5%/tổng số tiền vay. Điều này cho thấy, việc xử lý vi phạm trong thời gian qua vẫn chưa đủ sức răn đe những trường hợp “chưa bị lộ”, hay đằng sau hành vi vi phạm của cán bộ NH còn có sự hà hơi tiếp sức của ai đó (!?) Phải chăng việc thanh tra, giám sát của Chi nhánh NHNN Dak Lak và kiểm soát nội bộ của từng TCTD còn mang tính hình thức? Bởi trong hoạt động tín dụng, vẫn còn những tồn tại như việc xây dựng dự án, phương án sản xuất kinh doanh của khách hàng còn sơ sài, thiếu tính khả thi, không có tài liệu chứng minh nguồn trả nợ; việc tuân thủ quy trình cho vay ở một số tổ chức tín dụng còn lỏng lẻo, chưa đúng quy định… gần như năm nào cũng xảy ra, để rồi mọi chuyện đâu lại vào đấy, làm cho những cán bộ thoái hóa, biến chất ngày càng xem thường quy định của pháp luật. Những hành vi vi phạm của một số cán bộ NH thời gian qua cho thấy, chất lượng công tác kiểm tra, kiểm soát đang có vấn đề. Nếu việc này được tiến hành đúng quy định của pháp luật, chặt chẽ như cơ quan quản lý Nhà nước về NH đã đánh giá thì khó có thể xảy ra chuyện cán bộ NH lấy tài sản thế chấp của khách hàng ra cầm cố bên ngoài, người dân cũng chẳng phải thông qua “cò tín dụng” mới vay được vốn như đã xảy ra.
Trần Sáu
Ý kiến bạn đọc