Multimedia Đọc Báo in

Cần hợp nhất mã số cá nhân với mã số chứng minh nhân dân thành mã số duy nhất đối với một công dân

08:39, 08/06/2012

Dự thảo Luật Hộ tịch đang lấy ý kiến của bộ, ngành, địa phương và nhân dân để hoàn chỉnh dự thảo trước khi trình Quốc hội thông qua. Một trong những vấn đề trọng tâm, có điểm mới đó là mã số cá nhân đang được tranh luận.

Có nhiều ý kiến khác nhau về tính khả thi, đảm bảo về yếu tố quản lý hộ tịch trong điều kiện phát triển kỹ thuật số hóa hiện nay. Có ý kiến cho rằng việc quy định mã số cá nhân có xảy ra hiện tượng “loạn số” của một cá nhân hay không như: Mã số chứng minh nhân dân (CMND); mã số thuế; mã số cá nhân… tùy thuộc vào lĩnh vục quản lý của từng bộ, ngành khác nhau ảnh hưởng đến việc quản lý chung của nhà nước. Có ý kiến lại cho rằng cần thống nhất mã số cá nhân với mã số CMND làm một để thuận tiện cho việc quản lý. Lúc này một cá nhân có chung một thông tin trong cơ sở dữ liệu phục vụ cho Chính phủ điện tử chứ không phục vụ riêng cho ngành Công an, ngành Tư pháp hay ngành thuế.

Theo tôi, ý kiến về hợp nhất giữa mã số cá nhân và mã số CMND thành một mã số duy nhất là một sáng kiến đúng cần triển khai thực hiện nhằm tạo thuận lợi cho công tác quản lý về hộ tịch, hộ khẩu, cấp CMND hoặc cơ quan có thẩm quyền làm cơ sở, căn cứ để cấp các loại văn bằng, chứng chỉ, giấy phép về sau… cho một cá nhân cụ thể. Theo dự thảo Luật Hộ tịch thì mã số cá nhân là để truy nguyên cá thể, phân biệt cá nhân này với cá nhân khác và mã số này được cấp cho mỗi cá nhân một lần duy nhất trong đời vào lúc họ đăng ký khai sinh và sử dụng cho đến khi chết. Đối với mã số CMND thì được cấp khi cá nhân từ đủ 14 tuổi trở lên. Mã số CMND là dãy số nằm chung trong CMND có tác dụng tra cứu thông tin của một cá nhân phục vụ cho công tác quản lý nhà nước và là cơ sở dữ liệu quan trọng trong ngành công an. Đối với một cá nhân từ khi sinh ra cho đến khi chết đi có hai loại mã số là không cần thiết, rườm rà, khó thống nhất, cơ sở dữ liệu bị phân tán ở hai ngành khác nhau dễ dẫn đến nhầm lẫn khi tra cứu là điều khó tránh khỏi trong công tác quản lý nhà nước đối với cá nhân về sau.  Do vậy, việc hợp nhất hai loại mã số này vô cùng quan trọng, cụ thể như: Khi cá nhân sinh ra lúc đăng ký khai sinh sẽ được cấp mã số cá nhân, khi đến 14 tuổi thì đi làm thủ tục cấp CMND thì mã số CMND sẽ được lấy theo mã số cá nhân đã được cấp trước đây khi đăng ký khai sinh. Khi đó mã số của cá nhân này sẽ được thống nhất và được khai thác chung cơ sở dữ liệu về một cá nhân cụ thể. Nếu làm được điều này thì có ý nghĩa trong việc tiết kiệm nguồn nhân lực, trang thiết bị phục vụ cho việc tra cứu, thống nhất các thông tin cá nhân phục vụ cho việc quản lý nhà nước về sau. Tránh xảy ra tình trạng “loạn” mã số dẫn đến cá nhân phải kê khai nhiều mã số trong các loại đơn, phiếu hay hồ sơ nào đó, dẫn đến rườm rà thủ tục hành chính, gây phiền hà cho công dân. Nếu thống nhất hai loại mã số này, thì mã số trong CMND của một cá nhân không gọi là mã số CMND mà là mã số cá nhân trong CMND, đồng thời khi làm thủ tục cấp CMND, cán bộ pháp lý chỉ cần nhập mã số cá nhân của công dân vào cơ sở dữ liệu để đối chiếu các thông tin cần thiết để cấp CMND sẽ thuận lợi, dễ dàng, nhanh chóng không cần phải kiểm tra, kê khai các thông tin do người đề nghị cấp CMND kê khai.

Thiết nghĩ, dự thảo Luật Hộ tịch lần đầu tiên quy định mã số cá nhân là vấn đề mới ở nước ta nhưng thực tế một số nước trên thế giới đều thực hiện phổ biến mang lại nhiều hiệu quả tích cực cho hoạt động quản lý nhà nước. Ở nước ta việc quy định mã số cá nhân khi đi đăng ký khai sinh là việc làm cần thiết, tuy nhiên cần phải thống nhất với nhiều mã số khác nhau như mã số cá nhân, mã số CMND, mã số thuế…nhưng trước hết cần hợp nhất mã số cá nhân và mã số CMND là hết sức hợp lý. Nhưng để thực hiện điều đó, cần phải nghiên cứu thận trọng, đảm bảo tính khả thi, cũng như quản lý thống nhất cơ sở dữ liệu phục vụ cho tra cứu thông tin, đáp ứng yêu cầu quản lý xã hội nói chung và quản lý công dân nói riêng ở nước ta hiện nay.

Đỗ Văn Nhân



Ý kiến bạn đọc