Hàng giả và tội buôn bán, sản xuất hàng giả
Theo quy định tại Thông tư số 44/2011/TT-BTC ngày 1-4-2011 của Bộ Tài chính, hàng giả bao gồm: a) Giả chất lượng và công dụng, hàng hóa không có giá trị sử dụng hoặc giá trị sử dụng không đúng với nguồn gốc, bản chất tự nhiên, tên gọi và công dụng của hàng hóa; b) Giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa: hàng hóa giả mạo tên, địa chỉ của thương nhân khác trên nhãn hoặc bao bì cùng loại hàng hóa; hàng hóa giả mạo chỉ dẫn về nguồn gốc hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp trên nhãn hoặc bao bì hàng hóa; c) Giả mạo về sở hữu trí tuệ theo quy định tại Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ bao gồm hàng hóa có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý; hàng hóa là bản sao được sản xuất mà không được phép của chủ thể quyền tác giả hoặc quyền liên quan; d) Các loại đề can, tem chất lượng, tem chống giả, phiếu bảo hành, niêm màng co hàng hóa có nội dung giả mạo tên, địa chỉ thương nhân, nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng; e) Đối với hàng hóa thuộc diện quản lý chuyên ngành nếu pháp luật có quy định riêng thì áp dụng các quy định đó để xác định hàng giả.
Người sản xuất, buôn bán hàng giả, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự - tội sản xuất, buôn bán hàng giả. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp (người phạm tội biết rõ hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả của mình là nguy hiểm cho xã hội nhưng với động cơ vụ lợi nên vẫn thực hiện). Theo Điều 156 BLHS, có 3 khung hình phạt đối với tội sản xuất, buôn bán hàng giả:
- Khung 1 phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm đối với người sản xuất, buôn bán hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 30 triệu đồng đến dưới 150 triệu đồng hoặc dưới 30 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại điều này hoặc tại một trong các điều 153, 154, 155, 157, 158, 159 và 161 của bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
- Khung 2 phạt tù từ 3 năm đến 10 năm đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; e) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 150 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; g) Thu lợi bất chính lớn; h) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
- Khung 3 phạt tù từ 7 năm đến 15 năm đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau: a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 500 trăm triệu đồng trở lên; b) Thu lợi bất chính rất lớn hoặc đặc biệt lớn; c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Nguồn HNM
Ý kiến bạn đọc