Multimedia Đọc Báo in

Trợ giúp pháp lý lưu động: Vất vả mà vui

09:39, 15/06/2012

 

Những năm trước đây, trong chương trình công tác của mình, ngoài việc duy trì hoạt động của các cấp Hội, Hội Luật gia tỉnh thông qua Trung tâm Tư vấn pháp luật đã trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật miễn phí cho những đối tượng là hộ nghèo, gia đình có công… khi các đối tượng này tìm đến trụ sở của Trung tâm (bởi ngân sách của Hội rất hạn chế không thể tổ chức các chuyến trợ giúp pháp lý lưu động tại cơ sở).

Năm nay, do được bổ sung kinh phí nên Hội đã phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh tổ chức các đoàn đến trợ giúp pháp lý cho đồng bào một số xã vùng sâu, vùng xa.

Một buổi trợ giúp pháp lý tại vúng sâu.
Một buổi trợ giúp pháp lý tại vùng sâu.

Trong tháng 5 vừa qua, tôi đã tham gia đoàn luật gia đi trợ giúp pháp lý cho đồng bào tại các xã vùng sâu Cư Króa, Ea M’đoan (huyện M’Drak) và  Ea Kiết, Ea Mdróh (huyện Cư M’gar). Mặc dù biết điểm đến là vùng sâu vùng xa nhưng tôi vẫn nghĩ rằng những thôn, xã này chỉ thiếu thốn các loại hình dịch vụ hoặc khó khăn về kinh tế chứ không nghĩ đến những gian nan, cách trở về đường giao thông… Vì thế, anh em trong đoàn đã không thể tưởng tượng được mình phải mang vác tài liệu, băng cờ biểu ngữ đi bộ… lội sình để đến điểm trợ giúp pháp lý tại thôn 9, xã Cư Króa (M’Drak) bởi xe ô tô không thể vào được. Vất vả vượt qua quãng đường vào đến hội trường thôn, anh em trong đoàn còn lo hơn khi thấy cả hội trường trống không, hóa ra là bà con đang đi lễ chưa về. Đoàn đợi đến khoảng 9 giờ người dân mới tập trung tương đối đông đủ và buổi trợ giúp pháp lý mới được bắt đầu… Hai tuần sau, các cán bộ trong đoàn trợ giúp pháp lý lại tiếp tục băng suối, lội bộ qua quãng đường đầy những sống trâu và ổ voi để vào buôn H’mông thuộc xã Ea Kiết (Cư M’gar). Mặc dù xuất phát sớm nhưng do đường sá xa xôi, khó đi nên đoàn đến được điểm trợ giúp pháp lý thì đã hơn 8 giờ. Điểm trợ giúp pháp lý được chọn là lớp học tại buôn (phân hiệu của Trường Tiểu học Võ Thị Sáu). Nói là lớp học bởi chúng tôi thấy có bảng viết, có bàn ghế của giáo viên và học sinh chứ khó có thể tưởng tượng đó là một lớp học bởi xung quanh được thưng bằng ván nhưng trống huơ trống hoác, không có điện, nền đất … Thế mới biết, đời sống của bà con vùng sâu vùng xa còn khó khăn, thiếu thốn đến thế nào.

Tại những điểm trợ giúp pháp lý, tùy yêu cầu của mỗi địa phương mà chúng tôi tuyên truyền và trợ giúp về chính sách pháp luật khác nhau, chủ yếu là: pháp luật về hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, pháp luật về cư trú, chính sách người có công và chính sách xã hội. Có thể nói, mặc dù những chuyến trợ giúp pháp lý lưu động rất vất vả nhưng chúng tôi luôn có những niềm vui khôn tả, khi phần lớn những thắc mắc liên quan đến pháp luật của bà con đều được giải đáp tận tình, thỏa đáng. Nhờ những buổi trợ giúp pháp lý này, bà con được nâng cao kiến thức về pháp luật để áp dụng vào cuộc sống, hạn chế những tranh chấp và những hành vi vi phạm pháp luật, chăm lo làm ăn, ổn định cuộc sống.

Đặng Tiến (Hội Luật gia tỉnh) 

 


Ý kiến bạn đọc