Multimedia Đọc Báo in

Vụ “cò” ngân hàng Nguyễn Thị Hoa: Gây hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt cho xã hội

06:27, 29/06/2012

Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh vừa kết thúc điều tra vụ án “cò” ngân hàng Nguyễn Thị Hoa lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngoài Nguyễn Thị Hoa, cơ quan điều tra còn đề nghị truy tố 4 bị can nguyên là cán bộ Phòng Giao dịch Tân Lợi thuộc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Dak Lak, 3 bị can nguyên là cán bộ UBND xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột). Kết quả điều tra cũng cho thấy, thiệt hại của vụ án không chỉ về vật chất, các bị can còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng về mặt xã hội.

Thiệt hại không thể tính bằng tiền

Từ năm 2005, Nguyễn Thị Hoa (SN 1970), trú thôn 2, xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột) có quan hệ thân thiết với nhiều cán bộ Phòng Giao dịch (PGD) Tân Lợi thuộc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND xã Hòa Thắng và Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất TP. Buôn Ma Thuột. Từ những mối quan hệ này, Hoa đã làm “cò” ngân hàng, dịch vụ đáo hạn trong nhiều năm. Khi vay vốn qua “cò” Hoa, người vay chỉ cần đưa Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ), ký vào các giấy tờ do Hoa cung cấp rồi đến nhà Hoa nhận tiền. Mọi thủ tục từ làm giấy phép kinh doanh, chứng thực hợp đồng thế chấp tại UBND xã, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất đều do Hoa “lo trọn gói”. Trên thực tế, Hoa đã vay được số tiền lớn, trong thời gian rất nhanh, nhiều hợp đồng hoàn tất trong ngày; người vay phải trả chi phí môi giới cho Hoa 10% trên tổng số tiền vay đối với hợp đồng vay mới, 5% - 9% với hợp đồng đáo hạn. Ngoài tiền “cò”, Hoa còn thỏa thuận vay ké, lừa vay ké trong hợp đồng của nhiều người rồi không trả cho ngân hàng. Bằng các thủ đoạn trên, Hoa đã chiếm đoạt hơn 29 tỷ đồng, chưa kể những trường hợp Hoa lừa vay ké nhưng không viết giấy nhận nợ. Sau khi Hoa tuyên bố vỡ nợ, hơn 60 nạn nhân ở các xã Hòa Thắng, Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) và Ea H’Đing (huyện Cư M’Gar) đã tố cáo với cơ quan chức năng.

“Cò” Nguyễn Thị Hoa tại cơ quan điều tra.
“Cò” Nguyễn Thị Hoa tại cơ quan điều tra.

Theo Cơ quan CSĐT Công an tỉnh, ngoài thiệt hại về tài sản (ngân hàng không thu hồi được số tiền do Hoa vay ké), Nguyễn Thị Hoa còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng về mặt xã hội. Năm 2009, vợ chồng anh Nguyễn Hậu (SN 1983), chị Đào Thị Phúc (SN 1986), trú buôn Ea Sang B, xã Ea H’Đing (Cư M’gar) đưa 2 Giấy CNQSDĐ nhờ Hoa vay 200 triệu đồng. Vay xong Hoa chỉ đưa cho anh Hậu 80 triệu đồng, sau đó ngân hàng buộc anh Hậu trả toàn bộ 200 triệu đồng cộng lãi suất. Quá uất ức, chị Phúc đã treo cổ tự vẫn, sau đó anh Hậu cũng nhảy xuống giếng tự tử, bỏ lại đàn con nheo nhóc. Còn ông Đinh Thế Nghiêm, thôn Cao Thắng, xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) nghe tin Hoa vỡ nợ nên vào TP. Hồ Chí Minh vay mượn người thân về trả ngân hàng để không bị mất nhà. Không vay được, ông Nghiêm quá lo lắng nên đột quỵ, xuất huyết não, chết tại Bệnh viện 175 (TP. Hồ Chí Minh) vào ngày 29 - 4 - 2010. Riêng nạn nhân Nguyễn Văn Ngữ, trú thôn 1, xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột) thì bị tai biến, phải sống đời sống thực vật kể từ ngày PGD Tân Lợi buộc ông trả nợ thay cho “cò” Hoa. Còn anh Trần Văn Tư, trú thôn 4, xã Hòa Thắng đã ly hôn với chị Nguyễn Thị Nhạn từ năm 2010, nguyên nhân là chị Nhạn đã đưa “sổ đỏ” cho Hoa mượn thế chấp vay vốn, giả chữ ký của anh Tư trong hồ sơ vay, sau đó phải gánh nợ cho Hoa 237 triệu đồng. Đây là những thiệt hại không thể tính bằng tiền.

Nhiều cán bộ tiếp tay cho “cò”

Cơ quan điều tra xác định 2 cán bộ PGD Tân Lợi là Nguyễn Văn Nhân, nguyên Tổ trưởng Tổ tín dụng và Trần Dũng, nguyên cán bộ tín dụng đã nâng khống giá trị tài sản thế chấp, từ đó giúp Hoa vay ké được nhiều. Có tài sản được nâng khống 10 lần như nhà đất của anh Bùi Văn Thành, chị Bùi Thị Xuân Huệ, ở thôn 1, xã Hòa Thắng chỉ có giá trị 105 triệu đồng nhưng lại được định giá 1 tỉ đồng. Nhân và Dũng khai nhận chỉ thẩm định tài sản của người vay thông qua... mô tả của Hoa. Ngoài ra, 2 bị can này còn lập khống phương án kinh doanh, biên bản kiểm tra sau giải ngân, dẫn đến 46/49 trường hợp cho vay sai mục đích. Trong khi đó, bị can Đoàn Thị Thu An, nguyên thủ quỹ kiêm Thủ kho PGD Tân Lợi thì giải ngân qua “cò” Hoa, khi người vay trả nợ lại đưa tài sản cho Nhân và Dũng lập hồ sơ vay mới để “cò” Hoa lấy tiền (trong khi lẽ ra phải trả tài sản cho người vay để làm thủ tục xóa thế chấp). Và Trần Văn Lâm, nguyên Giám đốc PGD Tân Lợi đã ký 52/53 hồ sơ cho vay vi phạm về thủ tục, quy trình dẫn đến hàng chục tỷ đồng rơi vào tay “cò” Hoa.

Ngoài ra, 3 bị can nguyên là cán bộ xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột) cũng tiếp tay cho Hoa lừa đảo. Trong đó, Phan Văn Thịnh, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã đã chứng thực 10 hợp đồng thế chấp tài sản mà chữ ký và chữ viết không phải của vợ hoặc chồng người thế chấp, 7 hợp đồng thế chấp có tài sản chưa được xóa chấp. Thậm chí, có trường hợp như bà Bùi Thị Thuận ở thôn 3, xã Hòa Thắng đã chết từ năm 2006, nhưng đến năm 2009 vẫn được ông Thịnh chứng thực chữ ký tại... UBND xã. Những hồ sơ này đều do Nguyễn Công An, Bùi Thị Hồng Sen, nguyên cán bộ tư pháp xã Hòa Thắng trình cho Thịnh ký. Cơ quan điều tra đã xác định người vay không trực tiếp đến UBND xã mà ký hợp đồng thế chấp trước ở nhà, sau đó “cò” Hoa cho người mang đến chứng thực. Do vậy, nhiều hợp đồng thế chấp, giấy ủy quyền đã bị giả mạo chữ ký, chữ viết của người đồng sở hữu, giúp sức cho “cò” Hoa lừa đảo.

Kết thúc điều tra, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã đề nghị Viện KSND tỉnh truy tố Nguyễn Thị Hoa về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Trần Văn Lâm và Phan Văn Thịnh về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng Nguyễn Văn Nhân, Trần Dũng, Đoàn Thị Thu An về tội vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng; Nguyễn Công An và Bùi Thị Hồng Sen về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Tuy nhiên, qua vụ án cũng cho thấy rằng, vì ham lợi nhuận lãi suất cao một số người dân đã mất cảnh giác, giao phó tài sản của mình cho Nguyễn Thị Hoa, tạo điều kiện cho cò Hoa dễ dàng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của gia đình.

Nhã Bình


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.