Multimedia Đọc Báo in

Báo động tình trạng vi phạm Luật Giao thông ở các thôn người Mông

16:51, 22/07/2012

Ba xã Hòa Phong, Cư Pui và Cư Drăm (huyện Krông Bông) hiện có 2.045 hộ người Mông di cư với 13.079 nhân khẩu sinh sống tại 12 thôn (trong đó, xã Hòa Phong có 1 thôn, 365 hộ, 2.082 khẩu; xã Cư Pui có 6 thôn, 1.052 hộ, 7.367 khẩu; xã Cư Drăm có 5 thôn, 628 hộ, 3.630 khẩu).

Trong những năm qua, cuộc sống của người dân đã dần được cải thiện, nhiều hộ đã xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm các phương tiện phục vụ cho cuộc sống trong đó đa số các gia đình đã mua được xe máy làm phương tiện đi lại (theo thống kê, số lượng xe máy của 12 thôn người Mông ở 3 xã trên là 1.975 chiếc). Tuy nhiên, do hiểu biết về Luật Giao thông đường bộ và ý thức tham gia giao thông của phần lớn người dân còn hạn chế nên tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông tại các thôn người Mông hiện diễn ra rất phổ biến.

Những hình ảnh thường gặp ở các thôn người  đồng bào Mông trên tuyến tỉnh lộ 12.
Những hình ảnh thường gặp ở các thôn người đồng bào Mông trên tuyến tỉnh lộ 12.

Xã Cư Drăm có 628 hộ người Mông với hơn 700 xe máy. Ông Trần Văn Hiếu, Phó Trưởng Công an xã Cư Drăm cho biết: “Cảnh sát giao thông huyện ít khi đi tuần tra, kiểm soát ở các thôn người Mông trong khi lực lượng công an xã không có quyền hạn xử phạt nên tình hình giao thông ở đây khá phức tạp. Các lỗi vi phạm như: người tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm, không mang theo giấy tờ xe khi lưu thông, chở quá số người quy định, trẻ vị thành niên điều khiển xe gắn máy… xảy ra rất phổ biến”.

Thôn Nao Huh có 146 hộ, trung bình mỗi hộ có 1 xe máy. Người dân trong thôn  đi xe máy hầu như không có thói quen đội mũ bảo hiểm. Rất nhiều tai nạn đã xảy ra trên địa bàn, trong đó có một vụ chết người do không đội mũ bảo hiểm.

Còn ở thôn Yang Hăn chỉ có 73 hộ nhưng có tới hơn 100 xe máy, đa số các hộ đều có 1-2 chiếc xe, thậm chí có một số hộ có tới 3-4 xe. Số lượng xe nhiều như vậy nhưng người tham gia giao thông ở đây ít khi đội mũ bảo hiểm và thường xuyên chở 2, chở 3. Sở dĩ tình trạng vi phạm trên phổ biến bởi người dân ở đây cho rằng họ chỉ lưu thông trong thôn, đi xe lên nương rẫy hoặc đi từ thôn này qua thôn kia. Bên cạnh đó, tình trạng bảo hiểm xe máy hết hạn cũng tương đối phổ biến ở các thôn người Mông. Ông Lò Tiến Dũng, Trưởng thôn Ea Rớt (xã Cư Pui) ngán ngẩm: “Thôn Ea Rớt có 254 hộ nhưng có đến 237 xe máy, đa số các gia đình đều có xe máy, kể cả những hộ nghèo. Trong số này, phần lớn bảo hiểm xe máy đã hết hạn nhiều năm nhưng người dân không mua vì họ chỉ đi lại trong thôn, ít khi đi ra đường tỉnh lộ”.

Ngoài ra, ở các thôn người Mông còn có tình trạng nhiều trẻ em vị thành niên chưa có giấy phép lái xe điều khiển xe phóng nhanh, vượt ẩu, gây nguy hiểm cho những người tham gia giao thông.

Một tình trạng đáng lo ngại nữa là, thời gian gần đây, một số thanh niên người Mông đã độ chế, thay đổi thiết kế khung, sườn những chiếc xe máy cũ để chở gỗ, chở nông sản. Ông Sùng Minh Hoàng, Trưởng thôn Ea Hăn (Cư Drăm) cho biết: “Hiện ở xã Cư Drăm đã có gần 10 xe máy được độ chế, trong đó riêng thôn Ea Hăn đã có 2-3 chiếc. Đây là những chiếc xe máy cũ được một số thợ sửa xe máy độ chế, không bảo đảm kỹ thuật nên việc lưu thông trên đường rất nguy hiểm”.

Để hạn chế tình trạng mất an toàn giao thông ở các thôn đồng bào Mông, thiết nghĩ, chính quyền địa phương, ban tự quản, các đoàn thể ở đây cần thường xuyên tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành những quy định khi tham gia giao thông. Đặc biệt lực lượng cảnh sát giao thông công an huyện Krông Bông có kế hoạch thường xuyên tuần tra ở khu vực này để người dân ở đây tuân thủ nghiêm túc Luật Giao thông đường bộ, xây dựng ý thức văn hóa khi tham gia giao thông.

Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc