Cần tháo gỡ những hạn chế nhằm bảo đảm bình đẳng trong hoạt động và phát triển của các tổ chức hành nghề công chứng hiện nay
Thời gian qua, nhiều tỉnh, thành trong cả nước có quyết định chuyển giao thẩm quyền chứng thực các hợp đồng, giao dịch từ UBND sang các tổ chức hành nghề công chứng; đồng thời, cho phép thành lập nhiều Văn phòng Công chứng tư đã góp phần xã hội hóa hoạt động công chứng, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức thực hiện các giao dịch dân sự. Tuy nhiên, theo phản ánh của các Văn phòng công chứng thì vẫn có sự phân biệt, đối xử của các cá nhân, tổ chức, kể cả các cơ quan Nhà nước về tổ chức và hoạt động giữa Phòng Công chứng nhà nước và Văn phòng Công chứng tư, ảnh hướng không nhỏ đến thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động công chứng.
Thực hiện Luật Công chứng năm 2006, Nghị định số 02/2008/NĐ-CP, ngày 4-1-2008 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng và khoản 8 Thông tư số 03/2008/TT-BTP ngày 25-8-2008 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 15-8-2007 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký, Bộ Tư pháp đã có nhiều Công văn gửi UBND cấp tỉnh, các Sở Tư pháp địa phương về việc chuyển giao thẩm quyền chứng thực hợp đồng, giao dịch sang tổ chức hành nghề công chứng. Tại điểm b, khoản 4, Điều 26 Nghị định số 88/2009/NĐ-CP ngày 19-10-2009 của Chính phủ về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cũng quy định: “UBND cấp tỉnh có trách nhiệm:...xem xét, quyết định chuyển giao việc chứng thực các hợp đồng mà UBND cấp huyện, cấp xã đang thực hiện sang các tổ chức hành nghề công chứng ở địa bàn cấp huyện mà tổ chức hành nghề công chứng lại đáp ứng...”. Tuy nhiên, trên thực tế, việc chuyển giao thẩm quyền cho các tổ chức hành nghề công chứng đã gặp không ít những khó khăn nhất định như: Một số UBND cấp huyện tại địa phương miền núi, giao thông đi lại khó khăn, một số xã xa Trung tâm huyện, việc đi lại để yêu cầu công chứng không thuận tiện cho người dân, vì vậy, các tổ chức hành nghề công chứng chưa có điều kiện để phát triển. Bên cạnh đó, về trình tự, thủ tục công chứng, chứng thực có sự khác biệt rất lớn, nếu như chứng thực ở cấp xã thì trình tự, thủ tục gọn, nhẹ, đơn giản, lệ phí thấp, giải quyết nhanh nhưng trình tự, thủ tục công chứng của các tổ chức hành nghề công chứng thì phức tạp, phải đầy đủ, chặt chẽ, phí công chứng lại cao, địa điểm thường xa hơn, nhiều khi người dân chưa nắm rõ pháp luật nên phải đi lại nhiều lần để được công chứng. Do vậy, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của các tổ chức hành nghề công chứng, cũng như độ an toàn pháp lý của các hợp đồng, giao dịch tại địa phương.
Bên cạnh đó, mặc dù tại một số địa bàn cấp huyện có Văn phòng Công chứng tư hoạt động, tuy nhiên lượng khách hàng rất thấp do UBND cấp tỉnh không thực hiện việc chuyển giao thẩm quyền chứng thực của UBND cấp huyện, cấp xã sang cho Văn phòng Công chứng tư để thực hiện việc công chứng. Ở đây, không chuyển giao hoặc ngại chuyển giao, lý do là một bộ phận cá nhân, tổ chức phản ánh qua đơn thư hoặc trong những lần tiếp xúc cử tri liên quan đến cải cách thủ tục hành chính như: chứng thực tại UBND cấp xã thuận tiện hơn, có lợi cho dân và đề xuất không thực hiện chuyển giao thẩm quyền là một thực trạng có thật tại địa phương hiện nay. Do đó, UBND cấp tỉnh khi ban hành Quyết định chuyển giao phải tính toán, cân nhắc cẩn thận các điều kiện có liên quan trước khi ban hành quyết định.
Tình trạng vẫn còn phân biệt, đối xử giữa giá trị văn bản công chứng của Phòng Công chứng nhà nước và Văn phòng Công chứng tư là rào cản không nhỏ ảnh hưởng đến sự bình đẳng, lành mạnh của các tổ chức hành nghề công chứng. Nhiều trường hợp, văn bản công chứng của công chứng viên Văn phòng Công chứng tư khi đến nộp tại Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất, hoặc Tổ giao dịch một cửa để chuyển sở hữu quyền sử dụng đất thì không được chấp nhận hoặc nhận hồ sơ nhưng “ngâm” không giải quyết, lý do lo sợ không bảo đảm độ an toàn pháp lý, rất nhiều trường hợp đến khi kiến nghị tới Sở Tư pháp thì mới được giải quyết. Tình trạng này xuất hiện không chỉ ở cơ quan Nhà nước mà còn ở các tổ chức tín dụng liên quan đến nhiều hợp đồng vay vốn của các tổ chức, cá nhân.
Thiết nghĩ việc phát triển của các tổ chức hành nghề công chứng, đặc biệt là các Văn phòng Công chứng tư là nhu cầu tất yếu, phù hợp với chủ trương chung của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tiến tới xã hội hóa hoạt động công chứng; bảo đảm độ an toàn pháp lý của các hợp đồng, giao dịch; hạn chế sự can thiệp quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực này...Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế phát sinh trong việc phát triển các tổ chức hành nghề công chứng nêu trên. Việc tháo gỡ khó khăn này rất cần sự quan tâm, phối hợp và tạo điều kiện của các ngành, các cấp và đồng thuận của cá nhân, tổ chức nhằm phát triển các tổ chức hành nghề công chứng, góp phần xây dựng và phát triển đất nước.
Đỗ Văn Nhân
Ý kiến bạn đọc