Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong đấu tranh phòng, chống tội phạm

08:28, 02/07/2012

Thực hiện Chương trình Quốc gia phòng chống tội phạm, trong những năm qua bên cạnh lực lượng nòng cốt là ngành Công an, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (UBMTTQ) Việt Nam tỉnh cũng đã phát huy vai trò và có đóng góp tích cực vào công tác phòng chống tội phạm trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, tình hình tội phạm trên địa bàn tỉnh từng bước được kiềm chế, một số loại tội phạm có xu hướng giảm, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn…

Cán bộ MTTQ và lực lượng Công an huyện Ea Súp thường xuyên phối hợp tuyên truyền kiến thức pháp luật cho  người dân vùng sâu vùng xa.
Cán bộ MTTQ và lực lượng Công an huyện Ea Súp thường xuyên phối hợp tuyên truyền kiến thức pháp luật cho người dân vùng sâu vùng xa.

Tham gia vào Chương trình Quốc gia phòng chống tội phạm của tỉnh, UBMTTQ Việt Nam tỉnh được phân công chủ trì Đề án Phát động toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện tố giác tội phạm, giáo dục, cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư. Xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình là cầu nối giữa các tổ chức đoàn thể với quần chúng nhân dân, trong những năm qua, UBMTTQ Việt Nam tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện đề án. Theo đó, Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị liên quan và UBMTTQ cấp huyện, xã  tổ chức thực hiện; đồng thời lồng ghép việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, các phong trào thi đua trong hệ thống Mặt trận với công tác tuyên truyền, vận động và tổ chức thực hiện các nội dung của đề án.

Để thực hiện có hiệu quả đề án, UBMTTQ Việt Nam đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục các hội viên, đoàn viên trong hệ thống Mặt trận và các đoàn thể về ý thức, trách nhiệm đối với công tác phòng, chống tội phạm với nhiều nội dung và hình thức phong phú như: Tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật liên quan đến phòng, chống tội phạm thông qua hệ thống truyền thanh, truyền hình, thông tin lưu động; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật; cấp phát sách, tờ rơi cho người dân vùng sâu vùng xa… Ngoài ra, Mặt trận cấp cơ sở còn tổ chức cho các hộ gia đình và các khu dân cư ký cam kết không có tội phạm và tệ nạn xã hội. Cùng với công tác tuyên truyền, thời gian qua, UBMTTQ nhiều địa phương trong tỉnh đã thành lập và duy trì có hiệu quả hoạt động của “Nhóm nòng cốt” và “Tổ hòa giải” ở cơ sở. Hoạt động của các tổ, nhóm này đã góp phần đáng kể cùng với chính quyền địa phương giải quyết kịp thời việc khiếu nại, tố cáo của công dân, hạn chế và ngăn chặn có hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật ở khu dân cư…

Bên cạnh đó, UBMTTQ và các thành viên trong hệ thống Mặt trận đã thực hiện khá tốt việc phát động các phong trào thi đua lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, vận động xây dựng Quỹ Vì người nghèo… Chỉ trong 3 năm (2009-2011), MTTQ các cấp đã phối hợp với các tổ chức, ban ngành giải quyết việc làm cho gần 30.000 lao động trong tỉnh, vận động ủng hộ trên 70 tỷ đồng cho Quỹ Vì người nghèo để hỗ trợ xây dựng hàng trăm nhà Đại đoàn kết và sửa chữa nhà dột nát cho người nghèo. Ngoài ra, UBMTTQ các cấp còn thường xuyên có những hoạt động giúp đỡ học sinh nghèo vượt khó, hỗ trợ bệnh nhân nghèo được khám chữa bệnh… Chính những hoạt động mang tính xã hội đầy nhân văn đó đã góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân về trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội.

Một trong những hoạt động thiết thực, đem lại hiệu quả cao, thể hiện vai trò của UBMTTQ Việt Nam trong chương trình đấu tranh phòng chống tội phạm thời gian qua chính là việc đẩy mạnh “Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Để thực hiện có hiệu quả cuộc vận động này, UBMTTQ các cấp đã tổ chức các chương trình, việc làm cụ thể như: Tổ chức cho các hộ gia đình đăng ký, thực hiện mô hình “Quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội”, xây dựng “Gia đình không có người thân vi phạm pháp luật, khu dân cư an toàn lành mạnh không có tội phạm nguy hiểm, không có tệ nạn xã hội”. Ngoài ra, MTTQ ở cơ sở còn thành lập các câu lạc bộ “Phụ nữ tham gia phòng, chống ma túy”; mô hình “Tổ dân phòng”, “Tổ an ninh nhân dân”, “Khu dân cư an toàn không có tội phạm, tệ nạn ma túy”, “Tiếng kẻng an ninh”, “Giáo họ sống tốt đời đẹp đạo”… Cùng với việc tổ chức, thành lập các câu lạc bộ, các mô hình phòng, chống tội phạm, hệ thống Mặt trận và các đoàn thể nhân dân trong tỉnh còn thường xuyên chú trọng đến công tác cảm hóa, giáo dục, cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong 3 năm qua, toàn tỉnh đã cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ trên 2.500 đối tượng lầm lỗi và giúp đỡ cai nghiện cho gần 600 người nghiện ma túy…  

Chính nhờ lồng ghép Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư mà Đề án Phát động toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện tố giác tội phạm, giáo dục, cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư đã được sự đồng thuận của người dân và dần tạo nên phong trào đấu tranh phòng, chống tội phạm trong đông đảo quần chúng nhân dân. Từ đó, người dân đã dần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tích cực hơn trong tham gia phát hiện và tố giác tội phạm, góp phần đáng kể cùng với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.

Hoàng Minh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.