Multimedia Đọc Báo in

Phòng chống tội phạm bằng nhiều đề án mũi nhọn

06:38, 18/07/2012

Mặt trái của nền kinh tế thị trường tác động tiêu cực đến đời sống xã hội, trong đó có sự gia tăng các loại tội phạm. Là trung tâm kinh tế - văn hóa – xã hội của tỉnh, công tác phòng chống tội phạm ở TP. Buôn Ma Thuột càng trở nên khó khăn, phức tạp.

      Cảnh sát Điều tra Công an thành phố đang lấy lời khai các đối tượng môi giới mại dâm tại nhà nghỉ Thu Thủy.
Cảnh sát Điều tra Công an thành phố đang lấy lời khai các đối tượng môi giới mại dâm tại nhà nghỉ Thu Thủy.

Một điều nhức nhối trong những năm gần đây ở Buôn Ma Thuột là tội phạm hình sự, ma túy hoạt động manh động, táo bạo, có tổ chức có chiều hướng gia tăng về số người và số vụ. Đối tượng chủ yếu là lứa tuổi thanh thiếu niên học sinh, con em của các gia đình khá giả về kinh tế, thiếu quan tâm giáo dục dẫn đến đua đòi, bỏ học, lười lao động.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội, phòng ban của thành phố, nòng cốt là lực lượng công an đã quan tâm chỉ đạo triển khai bằng việc xây dựng lực lượng quần chúng ở cơ sở, tích cực tham gia phòng chống tội phạm bảo vệ an ninh Tổ quốc. Nhiều giải pháp đã được thực hiện đồng bộ như: đẩy mạnh hoạt động của tổ hòa giải, kịp thời phát hiện và giải quyết các vụ việc mâu thuẫn; phát động quần chúng tham gia tố giác tội phạm; tập trung đấu tranh phòng chống tội phạm nguy hiểm, tội phạm có tổ chức, tội phạm trong lứa tuổi vị thành viên; xác định các địa bàn trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự...

Đặc biệt, từ năm 1998 đến nay, nhiều đề án đã được xây dựng nhằm tạo thành những mũi nhọn phòng chống có hiệu quả các loại tội phạm. Đầu tiên phải kể đến Đề án “Phát động toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác cảm hóa giáo dục cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư” nhằm huy động sự cộng đồng trách nhiệm tham gia của toàn xã hội, tạo ra một phong trào đấu tranh phòng chống tội phạm rộng khắp ngay từ cơ sở. Đề án được thực hiện lồng ghép vào Cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, cũng như gắn kết vào các nội dung giao ước thi đua trong hệ thống Mặt trận. Nhiều mô hình, nhiều cách làm sáng tạo đã được áp dụng từ đề án này như: xây dựng khu dân cư an toàn không có tội phạm ma túy, mại dâm; hằng năm chọn 1 xã và 1 phường chỉ đạo điểm phòng chống tội phạm ma túy. Mô hình tổ an ninh nhân dân, ban bảo vệ dân phố, đội dân phòng, tổ hòa giải tiếp tục xây dựng củng cố, đi vào hoạt động khá nền nếp, giải quyết được các vụ việc mâu thuẫn tranh chấp trong nội bộ nhân dân.

Để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho người dân, Đề án “Xây dựng và hoàn thiện pháp luật về phòng chống tội phạm, tăng cường tuyên truyền giáo dục pháp luật và trách nhiệm công dân về bảo vệ an ninh trật tự” được triển khai với trách nhiệm chủ trì thuộc về Phòng Tư pháp thành phố. Theo đó, công tác tuyên truyền pháp luật được thực hiện thông qua việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước thôn buôn, tổ dân phố, câu lạc bộ tuổi trẻ phòng chống tội phạm. Các xã, phường có buôn thì tổ chức in ấn, dịch các hương ước, quy ước sang tiếng của đồng bào dân tộc tại chỗ và cấp phát đến từng hộ gia đình. Đồng thời thường xuyên mở các đợt kiểm tra, rà soát toàn bộ các nội dung hương ước đã xây dựng để kịp thời phát hiện những hương ước có nội dung chưa phù hợp với đạo đức xã hội.

Một trong những vấn đề gây nhức nhối đó là tình trạng xâm hại tình dục trẻ em và đối tượng phạm tội có xu hướng “trẻ hóa”. Đề án “Đấu tranh phòng chống các loại tội phạm xâm hại trẻ em và tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên” trở thành một mũi nhọn, tập trung cao điểm đấu tranh với đối tượng và loại tội phạm này. Thực hiện đề án, lực lượng công an thành phố tiến hành khảo sát về thực trạng trẻ em bị xâm hại và trẻ em làm trái pháp luật trên địa bàn, trên cơ sở đó đã khoanh vùng được độ tuổi chưa thành niên phạm tội chủ yếu nằm ở độ tuổi từ 16 đến dưới 18 tuổi. Lực lượng chức năng còn xác định được động cơ, mục đích, phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội do người chưa thành niên có tính chất đơn giản, dễ thực hiện, nhất thời thiếu suy nghĩ. Đây có thể coi là những phân tích rất ý nghĩa để có cách tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục thông qua các tổ chức đoàn thể như đoàn thanh niên, Hội Liên hiệp thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ...

Đối với loại tội phạm ma túy, công tác tuyên truyền được thực hiện bằng nhiều hình thức. Công an thành phố đã xây dựng nhiều kế hoạch, phương án đấu tranh, triệt phá những đường dây, băng nhóm hoạt động mua bán, tàng trữ, vận chuyển, chiếm đoạt và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Công an thành phố tập trung đấu tranh ngăn chặn hoạt động của loại tội phạm này, giúp đỡ cai nghiện cho số người nghiện và tạo điều kiện cho họ hòa nhập cộng đồng để quản lý chống tái nghiện; kiểm soát chặt chẽ các tiền chất, các loại thuốc tân dược có chứa chất gây nghiện.

Với nhiều nỗ lực, các hoạt động đã từng bước tạo dựng được phong trào quần chúng sâu rộng, mọi tầng lớp nhân dân tự nguyện tự giác tham gia tích cực phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, góp phần bảo vệ tốt an ninh trật tự ở địa phương. Những năm gần đây, lực lượng công an TP. Buôn Ma Thuột đã khởi tố 193 vụ - 298 đối tượng mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy; đưa 333 lượt đối tượng đi cai nghiện bắt buộc; triệt phá 126 tụ điểm mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy, kiềm chế và làm giảm hoạt động của tội phạm ma túy. 21 xã, phường ở thành phố đều chọn và chỉ đạo điểm về khu dân cư không có tội phạm nguy hiểm. Thống kê bình quân hằng năm các tổ hòa giải đã thụ lý 1.643 vụ việc, hòa giải thành công 1.073 vụ việc; kiện toàn các ban tư pháp phường, xã nhất là đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác tư pháp của các phường, xã. Kết quả từ những đề án mũi nhọn, những biện pháp quyết liệt này đã kiềm chế được sự gia tăng của các loại tội phạm và tệ nạn xã hội nói chung, tạo sự ổn định trật tự an toàn xã hội, phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Thuần Bình


Ý kiến bạn đọc