Trợ giúp pháp lý lưu động: Rất cần sự phối hợp của UBND cấp xã khi giải đáp cho người dân
Trong các hình thức trợ giúp pháp lý (TGPL) thì TGPL lưu động có những đặc thù khác biệt so với các hình thức TGPL khác như về đối tượng trợ giúp; hình thức trợ giúp; phạm vi tác động và ý nghĩa riêng của hoạt động TGPL lưu động... Do vậy, việc thực hiện hiệu quả hoạt động TGPL lưu động có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc giúp người dân tiếp cận với các quy định của pháp luật liên quan đến cuộc sống hằng ngày. Khi TGPL lưu động người thực hiện TGPL tiếp cận với những câu hỏi đơn giản, bình dị, sát cuộc sống với người dân và phạm vi các câu hỏi có thể rất rộng chứ không phải tập trung vào một vấn đề hay một sự việc cụ thể.
Nội dung câu hỏi thường gặp như làm thủ tục cấp chứng minh nhân dân như thế nào? Muốn có đất sản xuất thì làm sao hay đăng ký khai sinh thực hiện như thế nào? Hoặc cán bộ tư pháp xã thu lệ phí đăng ký khai sinh đến 20.000 đồng có đúng không?...Với dạng câu hỏi như thế này, người thực hiện TGPL có thể căn cứ vào các quy định pháp luật hiện hành để trả lời, hướng dẫn trực tiếp cho người dân. Tuy nhiên, những dạng câu hỏi như “Vì sao trong thôn ai cũng được miễn tiền điện hằng tháng nhưng hộ tôi thì không?”. Hay “tôi đi làm Giấy khai sinh cho con tôi tại sao xã không làm”?. “Tại sao lại cấm tôi phát rừng làm rẫy?”... và các dạng câu hỏi liên quan trực tiếp đến đời sống hằng ngày của người dân thì thẩm quyền xem xét, quyết định và giải đáp chỉ có UBND cấp xã mới nắm rõ nội dung câu hỏi và trả lời, giải quyết một cách thỏa đáng cho người dân. Trước kia, khi thực hiện TGPL lưu động không có sự tham gia của UBND cấp xã thì những dạng câu hỏi này thường được ghi nhận, bảo lưu và trả lời theo đường công văn hoặc điện thoại sau khi trao đổi với UBND cấp xã hoặc đôi khi chỉ ghi nhận chứ không thể trả lời.
Chính vì thế, vai trò phối hợp của UBND cấp xã trong hoạt động TGPL lưu động có ý nghĩa quan trọng trong việc tổ chức thành công, hiệu quả các buổi TGPL. Các câu hỏi liên quan đến các quy định chung thì người thực hiện TGPL trả lời trực tiếp; đối với các câu hỏi liên quan đến chế độ, chính sách đã và đang triển khai thì do cán bộ, công chức đại diện cho UBND cấp xã trả lời trực tiếp cho người dân hiểu rõ. Vì vậy, những buổi TGPL lưu động có sự phối hợp đều thành công, không có vướng mắc hay băn khoăn vì những câu hỏi chưa được trả lời thỏa đáng. Vai trò của UBND cấp xã không đơn giản chỉ tham gia trực tiếp vào các buổi TGPL lưu động mà còn vận động nhân dân, thông báo ngày giờ, địa điểm thực hiện TGPL trước khi buổi thực hiện TGPL diễn ra; xác nhận các văn bản giấy tờ có liên quan hay giải quyết những công việc, câu hỏi, kiến nghị của người dân sau khi hoạt động TGPL lưu động kết thúc...
Thiết nghĩ, sự phối hợp của UBND cấp xã trong hoạt động TGPL nói chung và hoạt động TGPL lưu động nói riêng có ý nghĩa quan trọng đến kết quả TGPL, đảm bảo hoạt động TGPL lưu động hiệu quả thiết thực, mang niềm tin pháp lý đến người dân. Từ thực tiễn trên, nên chăng rất cần ban hành một Quy chế phối hợp giữa Trung tâm TGPL và UBND cấp xã trong hoạt động TGPL lưu động để áp dụng hiệu quả, triển khai đồng bộ, thống nhất vì mục đích chung là mang pháp luật đến với người dân.
Đỗ Văn Nhân
Ý kiến bạn đọc