Ai bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng?
Vừa qua, hàng trăm người dân huyện Krông Pak đã kéo đến trụ sở Công ty Cổ phần Quốc tế An Khang – cơ sở 2 tại Dak Lak (gọi tắt là Công ty An Khang) tại địa chỉ B7 – B8 đường Lý Tự Trọng, phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột để trả lại sản phẩm kém chất lượng.
Người dân bức xúc khi mua phải sản phẩm không đúng như quảng cáo của Công ty An Khang. |
Theo phản ánh của ông Lô Văn Hẻn (thôn Tân Sơn, xã Ea Yông), vào ngày 18-7, tại Trung tâm Văn hóa huyện Krông Pak, Công ty An Khang đã tổ chức hội thảo, trưng bày, quảng cáo các loại sản phẩm, trong đó có nồi ủ giữ nhiệt, được Công ty An Khang giới thiệu loại nồi này có thể nấu chín cơm chỉ sau 3 phút nấu. Giá gốc của sản phẩm này trị giá 4,2 triệu đồng, nhưng do đã được “Bộ KHCN bảo trợ”, nên giá bán chỉ còn lại ½ (tương đương với 2,1 triệu đồng/bộ). Ngoài ra, khi mua sản phẩm trên, người mua còn được tặng một bộ dao cùng một…phiếu khám bệnh miễn phí tại Phòng khám Đông y An Khang. Với những lời giới thiệu “có cánh” của Công ty An Khang, cùng những ưu đãi đi kèm nên rất nhiều người đã mua sản phẩm trên. Tuy nhiên, khi đưa về sử dụng thì sản phẩm không có những tính năng như quảng cáo. Người dân đã nhiều lần cố gắng liên lạc vào số điện thoại ghi trên phiếu bảo hành, nhưng không thể được. Do đó, những người đã mua phải sản phẩm này cùng kéo nhau đến Phòng khám Đông y An Khang để trả lại sản phẩm, nhưng không trả được do những người có trách nhiệm tại phòng khám này không có mặt. Phải sau nhiều ngày đi lại và “làm căng” thì một số người mới có thể lấy lại được số tiền đã bỏ ra.
Qua tìm hiểu được biết, trên hộp đựng sản phẩm nồi ủ nhiệt chỉ dán nhãn đơn vị sản xuất là Công ty TNHH Hoàng Hà, Quảng Đông, Trung Quốc, ngoài ra không có thông tin gì thêm. Rõ ràng sản phẩm trên không đáp ứng đủ các yêu cầu pháp lý cơ bản để lưu thông hợp pháp trên thị trường. Thế nhưng, rất nhiều người dân vẫn “dính bẫy do nhiều nguyên nhân. Một trong những nạn nhân là bà Lò Thị Mén (thôn Tân Sơn, xã Ea Yông) cho biết, hội thảo giới thiệu sản phẩm này được tổ chức tại một địa chỉ cơ quan nhà nước là Trung tâm Văn hóa huyện Krông Pak. Và theo bà Mén, khi được tổ chức ở những nơi như vậy thì ít nhất, các cơ quan chức năng cũng đã phải kiểm tra rồi nên bà đã rất tin tưởng bỏ số tiền lớn để mua sản phẩm. Tuy nhiên, theo một đại diện Chi Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh, sự việc trên các ngành chức năng không hề hay biết mà chỉ khi diễn ra việc người dân kéo nhau đi trả lại sản phẩm thì Chi Cục QLTT mới hay; nhưng việc xử lý lại không thuộc thẩm quyền của Chi Cục QLTT mà thuộc thẩm quyền của cơ quan công an. Thực tế, trong ngày 24-7, lực lượng công an cũng đã có mặt nhưng chỉ dừng lại ở việc bảo đảm an ninh trật tự chứ không đả động gì đến vấn đề này. Theo Chi cục QLTT, cơ quan này chỉ có thể hướng dẫn người dân làm đơn thư trình bày sự việc rồi mới có những hành động tiếp theo. Thế nhưng phải nói rằng, đối với những người dân quanh năm “chân lấm tay bùn” thì họ chỉ mong lấy lại được số tiền mồ hôi nước mắt đã bỏ ra để mua sản phẩm chứ không hề muốn “rắc rối chuyện giấy tờ”. Thế nên, có thể sự việc này sẽ “chìm xuồng”, sản phẩm trôi nổi này không được quản lý và ai dám chắc là nó sẽ không còn lưu thông trên thị trường và không còn người dân ở những địa phương khác lâm vào cảnh “tiền mất tật mang” vì cả tin như trên?
Rõ ràng, vụ việc người dân kéo nhau đi trả lại sản phẩm kém chất lượng như vừa rồi lại là một hồi chuông cảnh báo nữa cho thấy các cơ quan chức năng không thể tiếp tục làm ngơ để người dân tự đấu tranh với những kẻ kinh doanh vô đạo đức. Thực tế hàng hóa lưu hành trên thị trường phải qua sự kiểm định của cơ quan quản lý chất lượng, cơ quan quản lý thị trường…Trong trường hợp để “lọt”, khi hàng hóa có vấn đề về chất lượng được phát hiện thì cơ quan chức năng nên chủ động vào cuộc làm sáng tỏ, không nên thụ động chờ đợi đơn thư của người tiêu dùng.
P.V
Ý kiến bạn đọc