Cần xử lý nghiêm hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định
Theo quy định tại khoản 3 điều 6 Thông tư số 36/2010/TT-BCA ngày 12-10-2010 của Bộ Công an về đăng ký xe quy định: “Trách nhiệm của chủ xe như sau: Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày làm giấy tờ mua bán, cho, tặng, thừa kế xe, người mua hoặc bán xe phải đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục sang tên, di chuyển, thay đổi đăng ký xe”.
Như vậy, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày mua bán, cho tặng, thừa kế xe, người nhận xe, mua xe phải có nghĩa vụ sang tên, di chuyển, thay đổi, đăng ký xe. Trong trường hợp không thực hiện thì sẽ phải chịu xử phạt theo quy định nêu trên. Tại điểm a khoản 1 Điều 33 Nghị định 34/2010/NĐ-CP ngày 2-4-2010 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ: “1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự mô tô vi phạm một trong các hành vi sau đây: a) Không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định;b) Tự ý thay đổi nhãn hiệu, màu sơn của xe không đúng với Giấy đăng ký xe”.
Tuy nhiên, trên thực tế việc đăng ký làm thủ tục sang tên đối với mô tô, xe gắn máy là rất hạn chế. Nguyên nhân là đa số giá trị tài sản mua bán, tặng cho, thừa kế đối với xe mô tô, xe gắn máy thường rất thấp (từ 5 đến 10 triệu đồng), nên ngại làm thủ tục sang tên vì cho rằng ít có khả năng tranh chấp. Rất nhiều trường hợp mua bán bằng giấy mua xe viết tay không qua công chứng hoặc chứng thực, đôi khi giao kết bằng miệng, sau đó là giao tiền, nhận xe và sử dụng, ít khi để ý đến chuyển quyền sở hữu phương tiện. Khi người tham gia giao thông vi phạm, bị lập biên bản vi phạm nhưng ít khi bị lập biên bản vi phạm về không chuyển quyền sở hữu theo quy định. Khi hỏi người vi phạm liên quan đến chủ sở hữu phương tiện thì đều trả lời là “mượn của người khác để đi” vì pháp luật không cấm mượn phương tiện để tham gia giao thông khi có bằng lái xe phù hợp với phương tiện và đồng thời, Cảnh sát giao thông thường không truy đến cùng chủ sở hữu thực của xe đối với những hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ thông thường.
Thực trạng trên phát sinh một số vấn đề phức tạp trong việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông, cũng như điều tra, làm rõ các hành vi vi phạm có liên quan đến xe mô tô, xe gắn máy như khó xác định chủ sở hữu thực của phương tiện; khó xác định trách nhiệm dân sự, hình sự đối với chủ phượng tiện khi đã thực hiện việc chuyển nhượng phương tiện qua nhiều chủ sở hữu, đặc biệt là mua bán bằng miệng không xác định rõ danh tính người mua dẫn đến khó xác định trách nhiệm pháp lý đối với chủ phương tiện khi tham gia giao thông gây tai nạn hoặc là phương tiện để phạm tội…
Từ thực trạng trên, để khắc phục và hạn chế đối với hành vi vi phạm về không chuyển quyền sở hữu theo quy định, thiết nghĩ cần thực hiện một số giải pháp như: tuyên truyền, vận động người dân khi mua bán, cho tặng, thừa kế xe mô tô, xe gắn máy, người nhận xe, mua xe phải có nghĩa vụ sang tên chủ sở hữu nhằm bảo đảm quyền lợi, cũng như nghĩa vụ cho cả bên mua và bên bán, đặc biệt đối với người dân ở nông thôn, miền núi hạn chế về nhận thức về pháp luật. Bên cạnh đó, cần tăng cường xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định, đồng thời nâng cao mức xử phạt đối với hành vi này trong thời gian đến. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường quản lý phương tiện như định kỳ rà soát, thống kê biến động về phương tiện của cá nhân, tổ chức tại địa phương; người dân phải có trách nhiệm khai báo biến động như: không còn sử dụng phương tiện; đã mua bán, tặng cho…phương tiện hoặc hủy bỏ phương tiện không còn sử dụng.
Đỗ Văn Nhân
Ý kiến bạn đọc