Hoàn thiện hành lang pháp lý về quản lý thương mại điện tử: Từ câu chuyện của MB24
Thời gian qua, thông tin về vụ mua bán gian hàng ảo của Công ty Cổ phần đào tạo mua bán trực tuyến (MB24) khiến dư luận xôn xao. Hệ thống chân rết MB24 đã được phát hiện, các trùm sò của công ty đã bị bắt và cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra làm rõ. Câu chuyện của MB24 đã và đang đặt ra nhiều vấn đề đáng suy nghĩ trong quản lý Nhà nước về thương mại điện tử (TMÐT) hiện nay.
Với những hội thảo hoành tráng, khuyếch trương như thế này, MB24 đã "lòe" được nhiều người tin và nghe theo. |
“Trăm hoa đua nở”...
Cùng với phương thức mua bán truyền thống, phương thức mua bán hàng qua mạng đã phát triển trong nhiều năm trở lại đây. Chủ trương khuyến khích phát triển TMĐT, xây dựng chính phủ điện tử của Đảng và Nhà nước là hoàn toàn đúng, phù hợp với xu hướng thời đại. Nắm được chủ trương, nhiều công ty đã khá thức thời khi bước chân vào loại hình kinh doanh này. Những ngày đầu khi bắt tay vào hoạt động, theo tôn chỉ là quảng bá TMĐT, MB24 được cộng đồng mạng tôn vinh. Nhưng khi sự thật chỉ là “trao tiện ích, nhận thành công” theo mô hình phát triển hệ thống để ăn chia hoa hồng thì chân tướng đã lộ rõ. Chiêu bài tiếp thị, quảng bá, khuếch trương, lôi kéo theo kiểu “làm giàu không khó” của MB24 đã khiến hàng nghìn người sập bẫy. Đối tượng là hội viên mà MB24 hướng tới giới thiệu để tham gia hệ thống chủ yếu là những người có học vấn thấp, không biết sử dụng máy tính, không có nhu cầu mua bán hàng qua mạng, tham gia nhằm mục đích chính là hưởng hoa hồng.
Cùng với cái tên MB24, riêng trên địa bàn Dak Lak, người ta còn nghe thêm những cái tên khác cũng hoạt động theo mô hình phát triển hệ thống ăn chia hoa hồng như Tâm Mặt Trời, Đại Hưng Phát. Sàn giao dịch có địa chỉ truy cập gobay.vn của Công ty Cổ phần Đầu tư Đại Hưng Phát, theo những hội viên của sàn này cho biết thì việc giao dịch, mua bán hàng trên mạng chỉ là thứ yếu, mục đích chính là phát triển hệ thống để hưởng hoa hồng. Để đạt mục đích, hội viên được đào tạo kỹ năng mềm là cách nắm bắt thị trường “lạnh” (những người chưa quen biết), thị trường “ấm” (bạn bè), thị trường “nóng” (gia đình) để lôi kéo, giới thiệu người khác tham gia sàn và hưởng hoa hồng.
Theo Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin - VECITA, Bộ Công Thương, Cục đã thu thập thông tin khoảng 20-30 website có mô hình hoạt động tương tự MB24. VECITA cũng cảnh báo, mô hình hoạt động của các website trên không tạo ra giá trị gia tăng cho xã hội, chỉ lôi kéo người tham gia để hưởng hoa hồng. Thực tế “trăm hoa đua nở” này đã báo động về những bất cập trong quản lý TMĐT, nếu không có sự chấn chỉnh kịp thời ít nhiều tạo ra những cái nhìn méo mó, thiếu thiện cảm về TMĐT.
Những “lỗ hổng” đang được vá lấp
Những sai phạm cụ thể của MB24 đang chờ kết quả điều tra của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, theo như những gì mà lãnh đạo MB24 lý giải, biện minh khi dư luận phản ánh về những dấu hiệu không minh bạch trong kinh doanh cũng không phải không đáng suy ngẫm. Đó là về vấn đề cấp phép và tên gọi “sàn giao dịch điện tử”, MB24 có xin cấp phép sàn giao dịch TMĐT tại Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (TMĐT và CNTT) nhưng được trả lời: “Theo quy định của Thông tư số 46/2010/TT-BCT, hiện nay Cục TMĐT và CNTT thực hiện việc xác nhận đăng ký cho các sàn giao dịch TMĐT – là các website trên đó cá nhân, thương nhân, tổ chức không phải chủ sở hữu website có thể tiến hành bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ của mình cho người khác. Phạm vi điều chỉnh của Thông tư không bao gồm các website có mô hình hoạt động phức hợp như MB24, cũng không quy định về các giao dịch trong đó thành viên trên website tham gia môi giới, kiếm lời từ hoa hồng trả cho việc giới thiệu người tham gia. Do đó, website http://muaban24.vn không phải là đối tượng đăng ký sàn giao dịch TMÐT theo quy định của thông tư 46/2010/TT-BCT”.
Bắt giữ Bùi Thị Chiên, một trong những cựu trùm của MB24 tại Dak Lak. |
Về việc MB24 có dấu hiệu hoạt động theo mô hình đa cấp, theo quy định của Luật Cạnh tranh, mô hình kinh doanh đa cấp chỉ áp dụng đối với hoạt động mua bán hàng hóa. MB24 có hoạt động dịch vụ sàn giao dịch TMĐT nhưng là hoạt động cung ứng dịch vụ. Pháp luật Việt Nam không quy định về việc cung ứng dịch vụ theo phương thức đa cấp.
Dư luận đặt câu hỏi, chính những lỗ hổng này đã khiến doanh nghiệp rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan và có cớ để tiếp tục lợi dụng, đội lốt TMĐT phát triển mạng lưới, lôi kéo nhiều người tham gia mua gian hàng điện tử chẳng để làm gì ngoài mục đích ăn chia hoa hồng.
Sau sự việc của MB24, Cục TMĐT và CNTT cho biết: Cục sẽ phối hợp với cơ quan liên quan hoàn thiện nghị định hướng dẫn thi hành Luật Thương mại điện tử để trình Chính phủ xem xét, trong đó quy định rõ hành vi TMĐT đa cấp, chiết khấu hoa hồng. Trong dự thảo Nghị định, Bộ Công Thương sẽ cấm các hành vi tổ chức hình thành mạng lưới tiếp thị cho dịch vụ TMĐT, mà trong đó khách hàng mua dịch vụ đồng thời lại là thành viên của mạng lưới tiếp thị, vận động người khác tham gia để hưởng hoa hồng. 20-30 trang web tương tự MB24 được VECITA khoanh vùng, trước mắt sẽ không xác nhận khi đăng ký sàn giao dịch TMĐT.
Liên quan đến vụ mua bán gian hàng điện tử của Công ty Cổ phần Đào tạo mua bán trực tuyến (MB24) tại Dak Lak, Cơ quan CSĐT – Công an Dak Lak đang khẩn trương điều tra làm rõ, phong tỏa, thu hồi tài sản. Cơ quan điều tra đề nghị ai là bị hại của MB24 đến trực tiếp hoặc gửi thông tin qua bưu điện tới địa chỉ: Phòng PC46 – Công an Dak Lak, số 58 - Nguyễn Tất Thành, TP. Buôn Ma Thuột để trình báo.
Hiện đã có hàng chục người là nạn nhân của hai chi nhánh MB24 tại Dak Lak gửi đơn tố cáo, trình báo hoặc trực tiếp đến Phòng PC46 yêu cầu điều tra làm rõ hành vi lừa đảo của các đối tượng đứng đầu MB24 để xử lý trước pháp luật, đồng thời thu hồi tài sản trả lại cho người bị hại.
Liên quan đến vụ mua bán gian hàng điện tử của Công ty Cổ phần Đào tạo mua bán trực tuyến (MB24) tại Dak Lak, Cơ quan CSĐT – Công an Dak Lak đang khẩn trương điều tra làm rõ, phong tỏa, thu hồi tài sản. Cơ quan điều tra đề nghị ai là bị hại của MB24 đến trực tiếp hoặc gửi thông tin qua bưu điện tới địa chỉ: Phòng PC46 – Công an Dak Lak, số 58 - Nguyễn Tất Thành, TP. Buôn Ma Thuột để trình báo.
Hiện đã có hàng chục người là nạn nhân của hai chi nhánh MB24 tại Dak Lak gửi đơn tố cáo, trình báo hoặc trực tiếp đến Phòng PC46 yêu cầu điều tra làm rõ hành vi lừa đảo của các đối tượng đứng đầu MB24 để xử lý trước pháp luật, đồng thời thu hồi tài sản trả lại cho người bị hại.
Đàm Thuần
Ý kiến bạn đọc