Multimedia Đọc Báo in

Mua bán card điện thoại, lừa đảo hơn 13 tỷ đồng

08:50, 07/09/2012

Trần Hà Lan Anh (SN 1978), trước đây sinh sống tại thôn 1, xã Cư Êbua (TP. Buôn Ma Thuột). Sau đó, Lan Anh đã nhập hộ khẩu vào gia đình bà L. Th. T. tại số 9 Bế Văn Đàn, phường Tân Thành (TP. Buôn Ma Thuột) nhưng thực tế không sinh sống tại đây mà đi ở trọ hết chỗ này đến chỗ khác. Từ năm 2007, Trần Hà Lan Anh bắt đầu vay tiền của người này để cho người khác vay lại, cho vay tiền góp, lấy lãi suất chênh lệch và làm dịch vụ đáo hạn ngân hàng. Quá trình làm ăn, Lan Anh đã vay tiền của rất nhiều người, số nợ lớn dần, đến tháng 6 - 2009 thì mất khả năng thanh toán và bắt đầu lừa đảo.

Trong thời gian từ năm 2010 - 2011, Trần Hà Lan Anh ký nhiều hợp đồng mua bán sim card điện thoại với Công ty Cổ phần Giấy Minh Thắng ở TP. Hồ Chí Minh và Chi nhánh Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) Dak Nông, sau đó bán lại cho những người khác. Lan Anh nói dối là mình đã ký quỹ 5 tỷ đồng tại Công ty Cổ phần Giấy Minh Thắng và Tập đoàn Viễn thông quân đội để được mua hàng hưởng chiết khấu cao, nếu người nào nộp tiền ký quỹ hoặc đưa tiền trước cho Lan Anh thì khi mua hàng sẽ được hưởng chiết khấu cao hơn phương thức mua bán thông thường. Thấy mức lãi hấp dẫn, nhiều người dân ở TP. Buôn Ma Thuột đã đưa tiền trước cho Lan Anh để được mua sim card về bán lại. Để khách hàng tin tưởng, lúc đầu Lan Anh giao hàng đầy đủ, cho hưởng chiết khấu cao hơn cả quy định của các doanh nghiệp trên. Có lúc, khách hàng chỉ biết đưa tiền cho Lan Anh, quy ra số lượng sim card tương ứng và hưởng chiết khấu, còn việc nhận hàng và tiêu thụ do Lan Anh tự lo. Ngoài ra, Trần Hà Lan Anh còn thuê một người giúp việc kinh doanh nên khách hàng càng tin hơn. Đến khi khách hàng nộp tiền với số lượng lớn thì Lan Anh bắt đầu lập phiếu ủy nhiệm chi khống, giao sim card thiếu dần, sau nữa là chiếm đoạt toàn bộ tiền mua hàng. Bằng thủ đoạn trên, Trần Hà Lan Anh đã chiếm đoạt trên 13,9 tỷ đồng của một số người, trong đó có những người bị lừa với số tiền lớn như bà N.T.T ở phường Tân Thành (trên 7,3 tỷ đồng), bà Đ.T.K.L ở xã Cư Êbua (trên 3,8 tỷ đồng), ông V.T.T ở phường Tân Lập (trên 2 tỷ đồng)...

Bên cạnh đó, Trần Hà Lan Anh còn vay tiền của nhiều người khác, nói dối là làm dịch vụ đáo hạn ngân hàng. Khi vay tiền, Lan Anh hứa sẽ trả lãi suất cao, thời gian vay rất ngắn, nếu người cho vay cần gấp thì sẽ trả ngay... Nhưng sau khi vay được, Lan Anh đã sử dụng tiền vay để trả nợ cũ và tiêu xài cá nhân. Với thủ đoạn này, Lan Anh đã chiếm đoạt thêm 6,725 tỷ đồng của 5 nạn nhân ở TP Buôn Ma Thuột và thị xã Buôn Hồ. Như vậy, Trần Hà Lan Anh đã chiếm đoạt tổng cộng trên 20,662 tỷ đồng thông qua mua bán sim card và vay mượn. Ngoài ra, 10 hộ dân khác trên địa bàn tỉnh còn tố cáo Lan Anh vay mượn không trả số tiền 22,535 tỷ đồng nhưng cơ quan điều tra xác định các giao dịch này có tính chất dân sự nên không đề cập xử lý.

Theo Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh, do lười lao động, muốn lấy tài sản của người khác làm của mình nên Trần Hà Lan Anh đã dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt số tiền lớn của nhiều người dân. Hành vi này đã gây tâm lý hoang mang, bất bình trong nhân dân, ảnh hưởng xấu đến trật tự xã hội nên cần xử lý nghiêm khắc. Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra  Công an tỉnh đã chuyển toàn bộ hồ sơ, đề nghị Viện KSND tỉnh truy tố Trần Hà Lan Anh về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vụ án một lần nữa cảnh báo người dân về các thủ đoạn đưa ra lợi nhuận cao để lừa đảo. Người vay tiền đâu dễ dàng chịu trả lãi suất cao, cũng không có lĩnh vực kinh doanh nào đơn giản đến mức chỉ cần nộp tiền vào rồi ung dung lấy lãi, đó thực sự là những cái bẫy.

Nhã Bình


Ý kiến bạn đọc


(Video) Chủ động kết nối, giải quyết việc làm cho người lao động
Tỉnh Đắk Lắk luôn tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, đẩy mạnh đào tạo nghề để người dân có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, có thu nhập ổn định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương.