Cần đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực kết hôn có yếu tố nước ngoài
Ngày 10-7-2002 của Chính phủ ban hành Nghị định số 68/2002/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định số 68/2002/NĐ-CP) quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài và Nghị định số 69/2006/NĐ-CP ngày 21-7-2006 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2002/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định số 69/2006/NĐ-CP), thời gian qua, các địa phương đã thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài đã có những chuyển biến tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân nước ngoài được kết hôn với công dân Việt Nam và ngược lại, góp phần quan trọng cho công tác quản lý nhà nước đối với công tác này được chặt chẽ, đồng thời, qua đó, tăng cường và củng cố quan hệ với các nước trên thế giới, cũng như gắn kết với kiều bào ta nước ngoài. Tuy nhiên việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến công tác này đã phát những vướng mắc cần phải sửa đổi, bổ sung để khắc phục, cụ thể như sau:
Một là, theo quy định tại Khoản 4, 5 Điều 1, Nghị định số 69/2006/NĐ-CP, quy định Sở Tư pháp tiến hành phỏng vấn hai bên nam, nữ để kiểm tra, làm rõ về sự tự nguyện kết hôn của họ; về khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ chung và mức độ hiểu biết về hoàn cảnh của nhau. Việc đăng ký kết hôn cũng bị từ chối, nếu kết quả phỏng vấn, thẩm tra, xác minh cho thấy việc kết hôn thông qua môi giới bất hợp pháp; kết hôn không nhằm mục đích xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững; kết hôn không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc; lợi dụng việc kết hôn để mua bán phụ nữ, xâm phạm tình dục đối với phụ nữ hoặc vì mục đích trục lợi khác. Trên thực tế, qua phỏng vấn, thông thường hai bên không giao tiếp được với nhau do bất đồng ngôn ngữ, không biết gì về hoàn cảnh của nhau, thậm chí mới gặp gỡ một lần… Chứng tỏ, việc kết hôn còn chưa tự nguyện, nhưng chỉ có thể khuyến cáo các bên nên dành thêm một khoảng thời gian cần thiết để về tìm hiểu thêm phong tục tập quán, ngôn ngữ, gia đình của nhau mà chưa có căn cứ pháp lý để từ chối giải quyết đăng ký kết hôn. Hoặc căn cứ để từ chối kết hôn là không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc, nhưng trên thực tế rất khó thực hiện nội dung này.
Hai là, theo quy định tại Nghị định số 68/2002/NĐ-CP; Nghị định số 69/2006/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68, thời gian giải quyết yêu cầu đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài là 34 ngày, chưa tính thời gian xác minh, như vậy là tương đối dài, do đó, khi một bên đương sự ở nước ngoài về Việt Nam để thực hiện phỏng vấn, khi phỏng vấn xong đương sự phải chờ đợi một thời gian để dự lễ đăng ký kết hôn và nhận Giấy chứng nhận kết hôn. Như vậy, vì lý do khác nhau, nhiều trường hợp họ không thể ở lại Việt Nam để chờ dự lễ đăng ký kết hôn và nhận Giấy chứng nhận kết hôn. Khi có thông báo của Sở Tư pháp về việc tổ chức lễ đăng ký, trao Giấy chứng nhận kết hôn, đương sự lại quay trở về Việt Nam, như vậy sẽ tốn kém kinh phí, thời gian,…Để giải quyết việc yêu cầu đăng ký kết hôn nhanh chóng, tạo điều kiện thuận lợi cho đương sự, cần xây dựng quy trình giải quyết hồ sơ đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài theo thủ tục đơn giản, chặt chẽ và giao quyền chủ động xem xét, giải quyết yêu cầu đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài cho Giám đốc Sở Tư pháp.
Ba là, trường hợp công dân Việt Nam đã xuất cảnh sang nước ngoài sống với thời gian dài, chính quyền địa phương không thể biết trong thời gian đó họ có kết hôn hay không? Khi trở về Việt Nam, họ yêu cầu UBND cấp xã nơi họ thường trú trước khi xuất cảnh cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để làm thủ tục đăng ký kết hôn, do đó UBND cấp xã không thể cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân theo yêu cầu của công dân. Bên cạnh đó, một số công dân Việt Nam đã kết hôn ở nước ngoài, nhưng sau đó trở về Việt Nam nói là chưa kết hôn để tiếp tục kết hôn. Tình trạng trên đã xảy ra nên cần bổ sung thêm quy định về xác nhận tình trạng hôn nhân.
Để khắc phục những vướng mắc trên, cần nghiên cứu, sửa đổi theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy trình giải quyết hồ sơ được thuận tiện, đặc biệt, là củng cố và hoàn thiện các văn bản pháp luật có liên quan đến lĩnh vực hôn nhân, gia đình có yếu tố nước ngoài. Trong đó, nên có quy định rõ ràng đối với việc ghi vào sổ hộ tịch của công dân Việt Nam đã đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài. Thực hiện việc phân cấp và trao quyền chủ động cho Sở Tư pháp xem xét, giải quyết các hồ sơ đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài. Đồng thời, quy định cụ thể về một số trường hợp có thể từ chối thực hiện việc đăng ký kết hôn để bảo đảm quan hệ hôn nhân hạnh phúc, lành mạnh, tiến bộ và bền vững, hạn chế tình trạng buôn bán phụ nữ và một số công dân Việt Nam bị bạc đãi ở xứ người như thời gian qua mà báo chí đã đưa tin.
Minh Anh
Ý kiến bạn đọc