Multimedia Đọc Báo in

Tiến hành đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn các loại tội phạm

05:35, 15/10/2012

Từ đầu năm đến nay, thực hiện Nghị quyết và các Chỉ thị của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các chương trình, kế hoạch công tác Công an năm 2012, Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an các huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai nhiều biện pháp công tác, chủ động nắm tình hình, quản lý địa bàn, đối tượng, xây dựng các phương án đấu tranh cụ thể với từng loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật nổi lên trên từng lĩnh vực, địa bàn, ở từng thời điểm.

Trong 9 tháng đầu năm, toàn Công an tỉnh đã điều tra làm rõ 859 vụ xâm phạm trật tự xã hội (trong đó có 252 vụ xảy ra thời gian trước), đạt tỷ lệ 77,88%, bắt 1.288 đối tượng, thu hồi tài sản trị giá gần 4 tỷ đồng, triệt phá 25 nhóm – 124 đối tượng hoạt động tội phạm: cướp, cướp giật, cưỡng đoạt, trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích và bắt giữ người trái pháp luật; tập trung chỉ đạo khẩn trương điều tra khám phá nhanh, dứt điểm các vụ án nghiêm trọng, phức tạp nổi lên, được dư luận quan tâm; triệt khá 82 tụ điểm 577 đối tượng đánh bạc, 20 tụ điểm 88 đối tượng hoạt động mại dâm; phát hiện, bắt giữ 119 vụ – 176 đối tượng phạm tội về ma túy; phát hiện, điều tra 184 vụ – 214 đối tượng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế – chức vụ, 220 vụ, gồm 37 tổ chức, 222 cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; bắt, vận động đầu thú, thanh loại 254 đối tượng truy nã (có 95 đối tượng nguy  hiểm, đặc biệt nguy hiểm)… Với sự nỗ lực, cố gắng của toàn lực lượng Công an, cùng với sự phối hợp, hỗ trợ của các sở, ngành, đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc các cấp, nhất là các thành viên Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, tình hình an ninh chính trị trên địa bàn tỉnh tiếp tục được giữ vững ổn định, tình hình trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, phục vụ tích cực nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nhà.

Tuy nhiên, tình hình phạm pháp hình sự chưa được kiềm giảm mà có xu hướng gia tăng: Trong 9 tháng, trên địa bàn tỉnh xảy ra 851 vụ xâm phạm trật tự xã hội (tăng 57 vụ so với cùng kỳ năm 2011), làm chết 27 người, bị thương 363 người, thiệt hại tài sản trị giá khoảng 13,39 tỷ đồng, đáng chú ý là các tội phạm nghiêm trọng do nguyên nhân xã hội như: giết người 23 vụ (chiếm 2,7%), hiếp dâm 15 vụ (chiếm 1,7%), hiếp dâm trẻ em 16 vụ (chiếm 1,8%), giao cấu trẻ em 16 vụ (chiếm 1,8%), cố ý gây thương tích 244 vụ (chiếm 28,6%)…; tội phạm ma túy diễn biến phức tạp, tình trạng trồng cây có chứa chất ma túy vẫn còn xảy ra; tội phạm và các hành vi xâm phạm trật tự quản lý kinh tế – chức vụ, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường phát hiện nhiều hơn cả về số vụ, tính chất và hậu quả thiệt hại so với cùng kỳ năm 2011…

Nguyên nhân của tình hình trên, khách quan có thể đánh giá là do tình trạng lạm phát của nền kinh tế, giá cả tiêu dùng tăng cao, sự du nhập của những luồng văn hóa xấu đã làm tha hóa, biến chất một bộ phận những người trong xã hội, hình thành nên lối sống thực dụng, thiếu lý tưởng, ích kỷ, hẹp hòi, chạy theo lợi ích vật chất, ý thức coi thường pháp luật. Thêm vào đó, trình độ nhận thức về pháp luật, xã hội của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, ý thức tự phòng ngừa và tố giác tội phạm chưa cao. Ngoài ra, tình hình dân di cư tự do, lao động phổ thông đến địa bàn tỉnh làm ăn theo thời vụ đã gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước, quản lý xã hội nói chung, ảnh hưởng đến chất lượng công tác quản lý Nhà nước về trật tự xã hội… tất cả những điều đó đã tạo kẽ hở, là điều kiện để tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật phát sinh, phát triển.

Cơ quan  CSĐT  CA huyện  Cư Kuin  tổ chức  thực nghiệm hiện trường cắt trộm  dây cáp  viễn thông.
Cơ quan CSĐT CA huyện Cư Kuin tổ chức thực nghiệm hiện trường cắt trộm dây cáp viễn thông.

Xét về yếu tố chủ quan, công tác phòng ngừa tội phạm nhìn chung chưa mang lại hiệu quả, cấp ủy, chính quyền các cấp có lúc, có nơi chưa thực sự quan tâm đến công tác phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trong chính cơ quan, đơn vị mình cũng như tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác phòng chống tội phạm, vẫn có nhận thức coi đây là nhiệm vụ của lực lượng Công an; việc thực hiện nội dung các Đề án thuộc Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy, phòng chống mua bán người chủ yếu theo lối mòn cũ, chưa có sự đổi mới về nội dung, biện pháp thực hiện, nhiều nơi còn mang tính hình thức, chủ yếu là lồng ghép, sự phối hợp giữa các chủ thể chủ trì thực hiện các Đề án chưa thường xuyên nên chưa đáp ứng yêu cầu phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm trong tình hình mới.

Để nâng cao hiệu quả phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn, làm kìm giảm tình hình hoạt động của các loại tội phạm trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới cần tiến hành đồng bộ, quyết liệt nhiều biện pháp, trong đó tập trung vào những nội dung chủ yếu sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22-10-2010 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”; Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 26-3-2008 về “Tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới”, mỗi cấp ủy Đảng cần tăng cường chỉ đạo thực hiện Nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự ngay tại cơ quan, đơn vị, ngành, địa phương mình; đồng thời quán triệt mỗi đảng viên, cán bộ phải gương mẫu chấp hành tốt chính sách, pháp luật, làm tốt công tác vận động quần chúng nâng cao cảnh giác, phòng ngừa, phát hiện tố giác tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội ở cơ sở.

Hai là, tổ chức kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội ở các cấp, phát huy vai trò của các đơn vị thành viên Ban chỉ đạo trong thực  hiện Nghị quyết 9 và Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm, phòng chống ma túy, phòng chống mua bán người; các sở, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở cần đổi mới nội dung, biện pháp, thường xuyên liên hệ, phối hợp nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động quần chúng  phù hợp với đặc điểm, địa bàn, đối tượng; chú trọng tuyên truyền phòng ngừa vi phạm pháp luật, tội phạm, tệ nạn xã hội trong thanh thiếu niên, học sinh. Tập trung củng cố, tăng cường thực lực chính trị ở cơ sở, đa dạng hóa các mô hình tự quản về an ninh trật tự; phát huy hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hóa, gắn với xây dựng xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, trường học an toàn, không tội phạm và tệ nạn xã hội, gắn xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân với thế trận an ninh nhân dân.

Ba là, đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp; Đề án 30 của Chính phủ về cải cách hành chính; Nghị quyết TW3, TW9 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/CP của Chính phủ về các giải pháp chủ yếu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội; thường xuyên kiểm tra, thanh tra ở những khâu, lĩnh vực trọng điểm để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những sai phạm, tích cực phòng ngừa tội phạm xảy ra, đồng thời chủ động phát hiện, xử lý nghiêm các vụ, việc liên quan đến tham nhũng, lãng phí.

Bốn  là, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp liên ngành giữa các cơ quan tư pháp trong điều tra, xử lý tội phạm; thường xuyên trao đổi thông tin, thống nhất quan điểm trong từng vụ án, nhất là đối với những vụ án nghiêm trọng, phức tạp, những vụ án khó xác định tội danh để vừa bảo đảm đúng quy định của pháp luật về tố tụng hình sự, vừa bảo đảm tính răn đe, giáo dục tội phạm và phù hợp với thuần phòng, mỹ tục ở từng địa phương.

Năm là, lực lượng Công an tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt trận công tác, nhất là công tác nghiệp vụ cơ bản; tập trung đấu tranh, trấn áp mạnh mẽ với các băng, nhóm tội phạm, tội phạm hình sự nguy hiểm, tội phạm ma túy, kinh tế, tham nhũng; đẩy mạnh công tác xác minh truy bắt, vận động đầu thú đối tượng truy nã; quản lý chặt chẽ các đối tượng có tiền án, tiền sự, đối tượng nghiện ma túy. Tăng cường công tác tuần tra kiểm soát phòng chống tội phạm và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật; nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về trật tự xã hội, quản lý chặt chẽ các ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự; đẩy mạnh vận động toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ… đồng thời chú trọng công tác xây dựng lực lượng, đẩy mạnh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh – CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ” gắn với cuộc vận động “CAND chấp hành nghiêm điều lệnh; xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ” và các phong trào thi đua “Vì An ninh Tổ quốc”, góp phần xây dựng lực lượng vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đoàn Quốc Thư

(Phó Giám đốc Công an tỉnh)


Ý kiến bạn đọc