Trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước: Cần hướng dẫn cụ thể
Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được Quốc hội khóa XII, thông qua ngày 18-6-2009 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2010; ngày 3-3-2010 Chính phủ ban hành Nghị định số 16/2010/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đã tạo cơ sở pháp lý tương đối đầy đủ cho việc thực hiện quyền yêu cầu bồi thường của cá nhân, tổ chức khi họ bị hành vi trái pháp luật của cán bộ, công chức gây ra thiệt hại khi thi hành công vụ trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước, hoạt động tố tụng và hoạt động thi hành án. Nội dung trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ có lỗi gây ra thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách nhà nước một khoản tiền mà nhà nước đã bồi thường đã được quy định khá đầy đủ và chi tiết về trách nhiệm hoàn trả; thủ tục hoàn trả; khiếu nại, khởi kiện về quyết định hoàn trả...Tuy nhiên, trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ có lỗi gây thiệt hại thì vẫn còn nổi lên hai vấn đề cần thiết phải làm rõ, cũng như hướng dẫn để triển khai thực hiện.
Thứ nhất, theo quy định tại khoản 3 Điều 20 Nghị định số 16/2010/NĐ-CP quy định:"Trường hợp người có nghĩa vụ hoàn trả không còn làm việc trong các cơ quan nhà nước thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải thực hiện các biện pháp thu hồi khoản tiền hoàn trả theo quy định của pháp luật", quy định như trên chưa được rõ ràng và chung chung, gây khó cho cơ quan có trách nhiệm bồi thường thu hồi khoản tiền hoàn trả đối với người có nghĩa vụ hoàn trả không còn làm việc trong các cơ quan nhà nước. Đồng thời, cơ quan có trách nhiệm bồi thường triển khai các biện pháp như thế nào để thu hồi mà không trái theo quy định của pháp luật”? Nên chăng, Bộ Tư pháp có công văn hướng dẫn nghiệp vụ cho các địa phương theo hướng "Người có nghĩa vụ hoàn trả không còn làm việc trong các cơ quan nhà nước thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường tiến hành yêu cầu người có trách nhiệm hoàn trả trả lại tài sản mà cơ quan có trách nhiệm đã bồi thường, trong trường hợp, người có trách nhiệm hoàn trả không thực hiện việc hoàn trả thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường khởi kiện đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền để thu hồi số tiền đã hoàn trả cho người thi hành công vụ". Quy định như vậy, vừa đúng với quy định của pháp luật, vừa thông qua Tòa án để giải quyết, và trong trường hợp quyết định, bản án có hiệu lực thi hành nhưng người có trách nhiệm hoàn trả không thực hiện thì làm đơn yêu cầu thi hành án, mặt khác, tránh trường hợp cơ quan nhà nước áp dụng các biện pháp thu hồi khoản tiền hoàn trả một cách tùy tiện và có thể dẫn đến vi phạm pháp luật.
Thứ hai, quy định về trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ có lỗi gây thiệt hại trong Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và Nghị định hướng dẫn thi hành không đặt vấn đề: "Người có nghĩa vụ hoàn trả chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự" thì số tiền phải hoàn trả cho cơ quan có trách nhiệm bồi thường đã bồi thường thì thu hồi như thế nào? Có thể là các nhà làm luật cũng đã dự liệu vấn đề này, và có thể nhà nước sẽ không truy cứu trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ có lỗi gây thiệt hại trong trường hợp này bị chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự và đã không đặt vấn đề vào nội dung Luật, cũng như Nghị định hướng dẫn. Tuy nhiên, theo tôi, việc thu hồi số tiền đối với người có trách nhiệm hoàn trả nhưng đã chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì trách nhiệm hoàn trả phải thuộc về người thừa kế hợp pháp (trong trường hợp người có trách nhiệm hoàn trả chết) và người có trách nhiệm giám hộ (trong trường hợp người có trách nhiệm hoàn trả mất năng lực hành vi dân sự). Có như vậy, mới đảm bảo được tính nghiêm minh của pháp luật, cũng như khoản tiền mà ngân sách phải tạm ứng để chi trả cho người có trách nhiệm hoàn trả.
Trên đây là những vấn đề cùng trao đổi liên quan đến trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ có lỗi gây thiệt hại, xin ý kiến bạn đọc cùng trao đổi để làm rõ vấn đề này, góp phần xây dựng và hoàn thiện các chế định liên quan đến công tác bồi thường nhà nước của chúng ta hiện nay.
Đỗ Văn Nhân
Ý kiến bạn đọc