Multimedia Đọc Báo in

Ma túy và những hệ lụy ở xã Ea Toh (Krông Năng)

07:20, 04/12/2012

Khoảng 3 năm trở lại đây, xã Ea Toh (huyện Krông Năng) được xem là điểm nóng về tệ nạn ma túy, hằng năm số người nghiện  và người tái nghiện không có dấu hiệu giảm. Trong khi đó công tác tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện cai nghiện chưa được đẩy mạnh…

Theo ông Nguyễn Hữu Ký, Phó trưởng công an xã Ea Toh, chỉ tính từ đầu năm 2012 đến nay, các lực lượng chức năng đã bắt quả tang 5 đối tượng là người trên địa bàn vận chuyển, buôn bán ma túy. Trong năm  có 20 đối tượng nghiện ma túy tự nguyện đăng ký cai nghiện tại gia, dưới sự quản lý của địa phương (trong đó, có đến 8 đối tượng sinh năm từ 1990 trở lên). Theo nhận xét của ông Ký, đó chỉ là số đối tượng nghiện có sự quản lý trong sổ sách, còn con số thực tế lớn hơn rất nhiều. Việc thống kê, quản lý các đối tượng nghiện trên địa bàn xã hết sức khó khăn bởi nhiều gia đình không thực hiện việc khai báo với cơ quan chức năng.

        Chị  Trần  Thị Đông  buồn rầu vì người chồng nghiện  ma túy đến nay vẫn chưa cai nghiện được.
Chị Trần Thị Đông buồn rầu vì người chồng nghiện ma túy đến nay vẫn chưa cai nghiện được.

Theo chân một cán bộ địa phương, chúng tôi đến nhà ông Lã Văn Thận, thôn Tân Hà. Với vẻ mặt buồn rầu, ông Thận nhắc đến P, đứa con trai út trong gia đình, ông kể: gia đình biết P. nghiện ma túy từ năm 2009, khi đang là học sinh lớp 11. Lúc đầu gia đình chủ quan trong việc cai, khiến P. ngày càng nghiện nặng. Đã nhiều lần P. dọa dẫm mẹ để lấy tiền mua thuốc; rồi có lần còn khuân cả bình gas của gia đình đi bán lấy tiền mua thuốc; việc học hành của P trở nên dở dang. Gia đình mua thuốc về cai nghiện cho P, nhưng không mấy hiệu quả, P vẫn ngựa quen đường cũ, cơn nghiện ngày càng nặng hơn. Cuối cùng gia đình đưa P. đi cai ở tận TP.Hồ Chí Minh… Từ khi P.nghiện ma túy, gia đình ông gần như kiệt quệ về tài sản, thậm chí còn phải bán 4 sào rẫy để có tiền đi lại, phục vụ việc cai nghiện cho P. Không kém gia đình ông Thận, gia đình chị Trần Thị Đông, có chồng là N.C.T nghiện ma túy từ năm 2006, nhưng đến nay vẫn chưa cai nghiện được. Chị Đông cho biết: Kể từ khi chồng dính vào ma túy, mọi công việc trong gia đình đều do chị lo toan, gánh vác. Tiền bạc làm ra bao nhiêu cũng không đủ, mỗi lần chồng lên cơn nghiện là phải đưa cho chồng. Vì ma túy mà trong gia đình lúc nào cũng có tiếng cãi vã, thậm chí lúc không có tiền cho chồng, chị còn bị dọa đánh đập. Hiện chồng chị đang về Nghệ An để cai nghiện, chị chỉ hy vọng, với sự khuyên bảo của bố mẹ chồng và những người thân trong gia đình, anh T. sẽ tỉnh ngộ, cai nghiện thành công để sớm đoàn tụ, làm ăn…

Ma túy còn là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều hệ lụy khác, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội tại địa phương. Đơn cử vào đầu năm 2012, trong lúc lên cơn nghiện, đối tượng Nguyễn Văn Tốt (thôn Tân Lộc) đã cướp giật tài sản đem bán lấy tiền tiêu. Cũng xuất phát từ ma túy, nạn trộm cắp trên địa bàn xã xảy ra thường xuyên, nhất là tại các trường học, cửa hàng tạp hóa, kho chứa nông sản của người dân. Từ đầu năm 2012 đến nay, trên địa bàn xã xảy ra 38 vụ mất an ninh trật tự, trong đó trộm cắp tài sản 16 vụ, đánh người gây thương tích 8 vụ, cướp tài sản 1 vụ, buôn bán vận chuyển ma túy 5 vụ v.v… Lực lượng chức năng đã tiến hành bắt tạm giam 28 đối tượng, trong đó có một số đối tượng là người nghiện và nghi nghiện ma túy.

Nhận thấy tệ nạn ma túy là yếu tố gây xáo trộn về an ninh trật tự, tác động tiêu cực đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội, cản trở công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương, xã Ea Toh đã tổ chức lễ phát động xây dựng xã không có tệ nạn ma túy, được đông đảo người dân hưởng ứng. Ông Nguyễn Quang Lân, Chủ tịch UBND xã cho biết: sau Lễ phát động, nhiều cá nhân tự nguyện ký cam kết không sử dụng ma túy, nhiều gia đình thực hiện tốt việc khai báo về tình trạng nghiện ma túy của con em và đăng ký các hình thức cai nghiện. Tuy nhiên, do chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, ngành, đoàn thể, cấp trên chưa phân bổ kinh phí nên công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng cho các đối tượng ở địa phương hết sức khó khăn, chưa mang lại hiệu quả mong muốn.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.