Xử lý vụ làm giả Huân chương Kháng chiến
Cơ quan An ninh Công an tỉnh vừa chuyển giao vụ làm giả Huân chương Kháng chiến để hưởng trợ cấp cho Công an huyện Krông Buk xử lý.
Trước đó, từ thông tin của bộ phận chức năng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về hồ sơ xin hỗ trợ tiền xây nhà ở đối với người tham gia kháng chiến của ông Nguyễn Hữu Lãi (SN 1942, ở xã Ea Ngai, huyện Krông Buk) có nhiều nghi vấn, Cơ quan An ninh Công an tỉnh đã tổ chức xác minh. Kết quả xác định: ông Lãi đã làm giả Huân chương Kháng chiến để được nhận sự hỗ trợ nói trên.
Cơ quan An ninh CA tỉnh làm việc với ông Sơn và ông Lãi. |
Ông Lãi khai nhận: Trong kháng chiến chống Mỹ, ông đã đi bộ đội và được tặng thưởng Huy chương Kháng chiến hạng Nhất. Sau khi giải ngũ, ông Lãi về định cư ở xã Ea Ngai. Vào năm 2011, ông Lãi đến nhà người quen là ông Trịnh Xuân Dương (SN 1950, ở xã Ea Kuăng, huyện Krông Pak) chơi thì thấy ông Dương treo trong nhà một Huy chương Kháng chiến rất mới. Ông Lãi hỏi thì ông Dương cho biết bản gốc thì đã bị hỏng, đó chỉ là bản sao do ông Trần Xuân Sơn (SN 1952, trú tại xã Ea Phê, huyện Krông Pak) chuyên nghề phục hồi ảnh cũ làm cho. Đến tháng 6-2012, biết Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho người có công trong các cuộc kháng chiến, ông Lãi đã làm hồ sơ đề nghị hỗ trợ cho gia đình mình. Tháng 9-2012, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã quyết định hỗ trợ 50 triệu đồng cho ông Lãi làm nhà. Đến tháng 9-2012, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Krông Buk yêu cầu ông Lãi nộp bổ sung Huân chương Kháng chiến hạng Nhất để nhận tiền. Ông Lãi đã nhờ ông Dương dẫn đến nhà ông Sơn. Tại đây, ông Lãi đã đưa cho ông Sơn một Huy chương Kháng chiến hạng Nhất, số 1000/KT/CTN ngày 21-9-1996 do Chủ tịch nước Lê Đức Anh ký. Sau khi thỏa thuận với giá 300.000 đồng, ông Sơn làm cho ông Lãi 2 bằng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất giả mang tên Nguyễn Hữu Lãi, số 288/KT/HĐNN ngày 10-11-1989, ký tên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công. Ông Lãi đã đem một tấm bằng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất giả nói trên nộp cho Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Krông Buk bổ sung vào hồ sơ xin hỗ trợ và sau đó nhận 50 triệu đồng về xây nhà.
Qua làm việc với ông Sơn, Cơ quan An ninh – Công an tỉnh bước đầu làm rõ: Từ năm 2009, có nhiều hội viên trong Hội Cựu chiến binh xã Ea Phê đã mang các bản gốc các Huân, Huy chương và một số giấy tờ khác đã cũ để thuê ông Sơn làm thành các bản mới, khoảng 15 người. Kiểm tra trong máy tính của ông Sơn, Cơ quan An ninh phát hiện có hàng chục mẫu huân, huy chương các loại, các bằng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, “Tổ quốc ghi công” và nhiều giấy tờ khác. Các mẫu này được ông Sơn dùng máy scan quét chép vào lưu sẵn trong ổ cứng. Khi cần, ông Sơn chỉ việc dùng kỹ thuật photoshop bóc tách, cắt, dán, lắp ghép, chỉnh sửa các từ, chữ, hoa văn, con dấu và một số chi tiết khác rồi đem đi in màu là sẽ cho ra một bằng huân, huy chương, chứng nhận giả mới theo ý muốn của khách hàng.
Tuy hậu quả của vụ việc chưa lớn nhưng lại gây ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công. Hơn nữa, các loại giấy tờ, văn bằng, tài liệu do các lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước và cơ quan có thẩm quyền ban hành nếu bị hư hỏng, mất thì chỉ có các lãnh đạo và cơ quan đó mới có quyền cấp lại; bất kỳ cá nhân, tổ chức nào khác tự ý phục chế; chỉnh sửa, thay đổi các chi tiết thì đều vi phạm pháp luật, đặc biệt là việc làm giả (thay đổi nội dung của văn bản). Vụ việc trên đây là một bài học để mọi người - trong đó có cả những người đã có công với đất nước - tránh những sai lầm đáng tiếc.
T. T
Ý kiến bạn đọc