Multimedia Đọc Báo in

Cần gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác phòng chống tội phạm

06:12, 29/11/2013

Ban Pháp chế HĐND tỉnh vừa hoàn thành công tác thẩm tra kết quả phát hiện, đấu tranh phòng chống tội phạm trên địa bàn tỉnh năm 2013.

Theo đó, Ban Pháp chế kiến nghị cần có sự chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên hơn nữa của các cấp chính quyền đối với công tác phòng chống tội phạm (PCTP) và giữ gìn trật tự an toàn xã hội (TTATXH); gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác PCTP và giữ gìn TTATXH...

Báo cáo của UBND tỉnh cho thấy, nhờ triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp đấu tranh PCTP nên trong năm qua, hầu như các loại tội phạm trên địa bàn đều giảm so với cùng kỳ năm 2012. Tình hình tội phạm và TTATXH trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định. Cụ thể: Tội phạm xâm phạm trật tự xã hội xảy ra 1.238 vụ/2.142 đối tượng (giảm 13 vụ); Tội phạm trong lĩnh vực kinh tế và chức vụ có 169 vụ/194 đối tượng (giảm 61 vụ); Vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường xảy ra 228 vụ/238 tổ chức, cá nhân (giảm 88 vụ)… Mặc dù tội phạm có giảm nhưng tính chất một số loại tội phạm nghiêm trọng xảy ra gây hậu quả nặng nề cho gia đình và xã hội vẫn tăng mạnh và diễn biến phức tạp.

Đồng chí Trần Hiếu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao Bằng khen của UBND tỉnh tặng các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ năm 2013.
Đồng chí Trần Hiếu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao Bằng khen của UBND tỉnh tặng các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ năm 2013.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh thì bên cạnh những kết quả đạt được trong năm 2013, công tác phát hiện, đấu tranh PCTP và giữ gìn TTATXH trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số vấn đề đáng quan tâm. Một số địa phương vẫn còn xem nhẹ công tác PCTP và giữ gìn TTATXH, khoán trắng công tác này cho ngành công an. Sự phối hợp giữa lực lượng công an với địa phương, các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia PCTP, giữ gìn TTATXH thiếu đồng bộ. Hiệu quả công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật chưa cao dẫn đến một bộ phận quần chúng nhân dân còn mất cảnh giác, thờ ơ trước các hành vi phạm tội xảy ra tại địa phương, đơn vị mình. Các tội phạm nghiêm trọng tiếp tục tăng so với các năm trước nhưng tỉnh chưa có biện pháp hữu hiệu để khắc phục, kiềm chế.

Vẫn theo bà Nguyệt thì thông qua các hoạt động giám sát của HĐND, Ban Pháp chế nhận thấy nổi lên trong công tác điều tra của cơ quan công an vẫn còn nhiều thiếu sót, vi phạm pháp luật tố tụng hình sự mà vẫn chưa được khắc phục triệt để. Cụ thể là tiến độ điều tra còn chậm, tỷ lệ giải quyết các tin báo tố giác tội phạm chưa đạt chỉ tiêu mà Nghị quyết số 37/2012/NQ-QH của Quốc hội đề ra, vẫn còn nhiều tin báo tố giác tội phạm quá hạn quy định chưa được xử lý. Bên cạnh đó vẫn còn hiện tượng một số biên bản hỏi cung bị can hoặc lấy lời khai bị can còn bị tẩy xóa, sửa chữa, ghi thêm nội dung… Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng oan sai.

Để nâng cao chất lượng hơn nữa công tác đấu tranh PCTP và giữ gìn TTATXH trong thời gian tới, theo bà Nguyệt, cần có sự chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên hơn nữa của các cấp chính quyền đối với công tác phòng chống tội phạm và trật tự an toàn xã hội; gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác phòng chống tội phạm và trật tự an toàn xã hội... Ngoài ra, cơ quan công an cần khắc phục triệt để những vi phạm trong công tác điều tra, quản lý người phạm tội; thực hiện đồng bộ các biện pháp trong công tác phát hiện, đấu tranh các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm nghiêm trọng. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về hoạt động kinh doanh vũ trường, Intenet trên địa bàn để hạn chế những phát sinh tội phạm từ hoạt động này. Tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả thực hiện các chương trình phối hợp giữa các cấp chính quyền với Ủy ban MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội, các ngành chức năng trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho các tầng lớp nhân dân, trong đó chú trọng các đối tượng là học sinh sinh viên, người dân tộc thiểu số, người đã chấp hành các hình phạt tù đang sinh sống tại địa phương… “Tất cả những nội dung kiến nghị này chúng tôi sẽ trình lên kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh khóa VIII sắp tới để xem xét, quyết định” – bà Nguyệt nói.

Việt Cường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.