Multimedia Đọc Báo in

Làm gì để nâng cao hiệu quả Tủ sách pháp luật cơ sở?

11:14, 06/11/2013

Xây dựng tủ sách pháp luật (TSPL) ở cơ sở là một trong những hoạt động nhằm tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật rộng rãi trong cán bộ và nhân dân. Tuy nhiên hiện nay, tại hầu hết các địa phương trong tỉnh, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà TSPL vẫn chưa phát huy tốt hiệu quả sử dụng theo như đúng chức năng của nó.

Một số người dân tìm hiểu pháp luật tại TSPL  phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột.
Một số người dân tìm hiểu pháp luật tại TSPL phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột.

Thời gian qua, việc bổ sung, phát triển TSPL trên địa bàn toàn tỉnh luôn được các ngành chức năng chú trọng thực hiện. Nếu như trước năm 2010 toàn tỉnh có khoảng 612 TSPL với 20.000 cuốn sách thì hiện nay, con số này đã lên đến 706 tủ với khoảng 46.706 cuốn sách, chưa kể các văn bản về pháp luật khác. Trong số đó, theo đánh giá của Sở Tư pháp thì ngoài 501 TSPL ở các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức ở tỉnh và cấp huyện thường xuyên được cán bộ công nhân viên của mỗi đơn vị quan tâm tìm hiểu, thì còn có 205 TSPL ở các xã, phường, thị trấn và thôn buôn, tổ dân phố đều hoạt động không mấy hiệu quả do việc quản lý chưa phù hợp, người dân ít quan tâm…

Qua tìm hiểu tại một số địa phương, hầu hết các TSPL tại các phường, xã, thị trấn, tổ dân phố… đều được trang bị trung bình trên 50 đầu sách liên quan đến các vấn đề hôn nhân và gia đình, dân sự, đất đai, sách hướng dẫn nghiệp vụ... Thực tế cho thấy, số lượng, chất lượng đầu sách chưa thực sự phong phú, chậm cập nhật sách mới, chưa đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu của người dân. Một số tủ sách tại các xã, phường chỉ mang tính hình thức, nhất là ở những xã vùng sâu, vùng xa. Nguyên nhân là do diện tích nhiều trụ sở UBND cấp xã có hạn, phòng ốc chật chội, xuống cấp nên không có chỗ để bố trí tủ sách, phải tận dụng những nơi không thuận tiện cho người dân đến đọc sách tại chỗ. Từ đó, các TSPL cơ sở không đủ sức thu hút người dân quan tâm và tìm đọc.

Qua khảo sát TSPL ở một số xã, phường, thị trấn trên địa bàn các huyện Cư Kuin, Cư M’gar, Krông Pak, TP. Buôn Ma Thuột... cho thấy, hầu hết các tủ sách đều đặt ở góc khuất của bộ phận “một cửa” hoặc văn phòng UBND và được… khóa rất cẩn thận; bụi, mạng nhện bám nhiều chứng tỏ rất ít người đến đọc hoặc mượn sách tham khảo, nghiên cứu. Thậm chí ở nhiều nơi, sách về pháp luật còn được đặt chung trong một tủ với các hồ sơ, văn bản làm việc của UBND xã. Chị Trần Thị Hồng Yến, cán bộ Tư pháp - Hộ tịch kiêm quản lý TSPL phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột cho biết: TSPL ngoài mục đích “gối đầu” giúp cán bộ công nhân viên nắm được pháp luật để xử lý công việc, còn cho bà con mượn đọc để trang bị kiến thức pháp luật, vận dụng vào cuộc sống; tuy nhiên, lượng người dân đến đọc sách, báo, tài liệu tham khảo tại chỗ hoặc mượn về nhà hằng năm rất ít, nhiều tháng ròng không có người dân nào đến hỏi mượn sách... Ngoài ra hiện nay việc quản lý TSPL cơ sở thường được giao cho cán bộ Tư pháp xã hoặc cán bộ Văn phòng kiêm nhiệm. Những cán bộ này thường xuyên bận công việc chuyên môn, việc quản lý TSPL vẫn chưa được quan tâm đúng mức cũng là một trong những nguyên nhân khiến TSPL ít thu hút người dân đến đọc.

Cũng cần nói thêm rằng, hầu hết các TSPL ở cơ sở hiện còn thiếu những loại văn bản liên quan trực tiếp đến đời sống hằng ngày của người dân như chính sách đền bù đất đai, giải phóng mặt bằng của Nhà nước hay quy định về giá đất đai hằng năm; một số TSPL ở các xã vùng sâu, vùng xa chưa xây dựng được nội quy, quy chế quản lý, khai thác và sử dụng tủ sách. Bên cạnh đó cũng phải kể đến việc người dân chưa có thói quen tự tìm hiểu pháp luật thông qua TSPL cơ sở, mà chỉ khi có những vướng mắc liên quan đến pháp luật hoặc quyền lợi bị xâm phạm thì lúc đó mới có nhu cầu tìm hiểu pháp luật. Thông qua việc khảo sát của các ngành chức năng lấy ý kiến của gần 200 người dân tại các địa phương trong tỉnh thì có tới trên 90% số người được hỏi đã trả lời: “Những thông tin pháp luật mà họ tiếp cận được là từ đài, báo, Internet và hỏi những người mà họ cho là có hiểu biết”. Điều đó cho thấy sự quan tâm của người dân đối với TSPL cơ sở là chưa nhiều.

Tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn là một trong những công cụ quan trọng để đưa các luật đi vào đời sống, giúp cho luật pháp đến gần với người dân hơn. Theo ông Y Daniel Rơmah Êban, Phó trưởng Phòng Tư pháp huyện Cư Kuin, để nâng cao chất lượng và hiệu quả của TSPL, địa phương sẽ tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác đầu tư cho TSPL cơ sở, nhất là việc cập nhật những loại sách, văn bản mới, ngắn gọn và dễ hiểu để người dân dễ dàng tiếp cận. Huyện cũng sẽ mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền thông qua các phong trào, hoạt động của các xã, thị trấn đến từng thôn buôn. Trong đó, đặc biệt chú trọng việc tuyên truyền thông qua kênh “cầu nối” là các già làng, trưởng thôn, buôn giới thiệu TSPL đến với người dân. Mặt khác ông Y Daniel cũng nhấn mạnh: Muốn có được hiệu quả thực sự của TSPL cơ sở cần có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao hơn nữa của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể trong hệ thống chính trị cấp huyện và tỉnh. Việc xây dựng và quản lý tủ sách cần được các địa phương tiến hành đồng bộ thống nhất, đầu tư kinh phí, bổ sung sách mới thường xuyên. Ngoài ra, các địa phương cũng cần chú trọng hơn nữa việc nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật, chuyên môn, nghiệp vụ thư viện cho cán bộ chuyên trách... có như vậy thì mới mong đưa TSPL thật sự trở thành công cụ đắc lực cho cán bộ cơ sở và là “người bạn” thân thiết của dân, nhất là ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

 Lê Thành


Ý kiến bạn đọc