Multimedia Đọc Báo in

Thẩm tra kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo: Nhiều địa phương vi phạm luật

13:57, 27/11/2013

“Nhiều vị lãnh đạo không dám gặp dân, né tránh, đùn đẩy việc tiếp công dân cho cấp phó”; “Công tác đối thoại với dân chỉ mang tính đối phó, hình thức để có biên bản”; “Hiệu lực, hiệu quả tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo của chúng ta còn quá yếu”… Đó là một số ý kiến đánh giá thực trạng công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh năm 2013 tại cuộc họp thẩm tra công tác này của Ban Pháp chế HĐND tỉnh vào sáng qua (26-11).

Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong năm 2013, các cấp, các ngành trong tỉnh đã tiếp 4.594 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo (KNTC), kiến nghị, phản ánh với 2.669 vụ việc và đã được các cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận, xem xét, hướng dẫn và xử lý theo quy định. Đối với tình hình KNTC trên địa bàn tỉnh trong năm 2013 dù có giảm so với năm trước nhưng tình hình vẫn diễn biến phức tạp, tình hình KNTC đông người có chiều hướng gia tăng. Trong năm, các cấp các ngành đã nhận được 2.996 đơn KNTC, kiến nghị, phản ánh (giảm 424 đơn so với năm 2012), trong đó khiếu nại: 1.032 đơn; tố cáo 262 đơn; kiến nghị, phản ánh 1.702 đơn. Qua sàng lọc có 1.852 đơn trùng lặp và không đủ điều kiện xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.

Theo đánh giá của Ban Pháp chế, trong năm 2013, lãnh đạo UBND tỉnh cũng như các cấp, các ngành đã có nhiều cố gắng, tích cực trong việc giải quyết KNTC của công dân. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về KNTC ở các cơ quan Nhà nước, địa phương để qua đó kịp thời chấn chỉnh, nâng cao trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị trong công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư KNTC… Nhờ vậy, tỷ lệ giải quyết đơn thư KNTC trên địa bàn tỉnh trong năm 2013 đạt tương đối cao (giải quyết khiếu nại đạt 82,4%, tố cáo đạt 87%). Qua việc giải quyết khiếu nại, các cấp các ngành đã thu hồi về cho Nhà nước số tiền 356 triệu đồng và 5000 m2 đất các loại; khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân 184 triệu đồng và 1.680m2 đất  các loại và xử lý hành chính 5 cán bộ. Thông qua giải quyết tố cáo cũng đã xử lý hành chính 5 cán bộ, thu hồi về cho Nhà nước 239 triệu đồng và trên 147m3 gỗ các loại, khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp của công dân 30 triệu đồng…

Những kết quả nêu trên là đáng ghi nhận. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Pháp chế thì vẫn còn một số nội dung KNTC của công dân giải quyết chưa dứt điểm dẫn đến đơn thư vượt cấp. Việc giải quyết các vụ việc phức tạp, tồn đọng kéo dài đạt kết quả chưa cao, nhiều vụ việc quá trình thẩm tra, xác minh quá chậm, dây dưa kéo dài; nhiều vụ việc đã hoàn tất hồ sơ xác minh và có phương án giải quyết nhưng vẫn giải quyết chưa dứt điểm gây nên nhiều bức xúc trong nhân dân…

Phân tích những nguyên nhân dẫn đến hạn chế trong công tác giải quyết KNTC trên địa bàn tỉnh, ông Trần Ngọc Thanh, Giám đốc Sở Tư pháp, thành viên Ban Pháp chế cho rằng: Việc tổ chức đối thoại với công dân là một trong những bước giải quyết KNTC ban đầu quan trọng và hữu hiệu nhất. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều địa phương tổ chức đối thoại với công dân chỉ mang tính đối phó, hình thức để có biên bản. Thậm chí có nhiều vị lãnh đạo còn không dám gặp dân mà né tránh, đùn đẩy tiếp công dân cho cấp phó… “Quan điểm giải quyết khiếu kiện của chúng ta là biến việc to thành việc nhỏ, biến việc nhỏ thành không có việc. Nhưng nếu cứ tình trạng này, nếu giải quyết mà cứ theo kiểu “đánh trống bỏ dùi” thì rất dễ xảy ra tình trạng việc nhỏ trở thành việc to, rất dễ phát sinh điểm nóng” – ông Thanh nói. Cùng với quan điểm của ông Thanh, ông Trần Tuấn Anh, Bí thư Huyện ủy Krông Năng, thành viên Ban Pháp chế phân tích nguyên nhân mà cán bộ lãnh đạo né tránh dân là “sợ… mất uy tín”. Theo ông Trần Tuấn Anh thì: “Nhiều vị lãnh đạo, nhiều địa phương còn yếu trong việc triển khai chỉ đạo của cấp trên, không nắm rõ các quy định nên… “bí quá hứa đại với dân”, sau đó dân đến hỏi thì tìm cách tránh né. Lãnh đạo mà “né” dân thì không thể nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của nhân dân, mà nếu như vậy thì việc KNTC của dân không thể giải quyết được”.

Để tăng cường hiệu quả công tác tiếp công dân và giải quyết KNTC, ông Nguyễn Như Cầu, Phó Chánh Thanh tra tỉnh kiến nghị: Cần phải có chế tài cụ thể trong việc tiếp công dân và giải quyết KNTC. Trong đó, việc tổ chức đối thoại với công dân phải kịp thời và đúng luật. Thực tế thì hiệu lực, hiệu quả tiếp công dân và giải quyết KNTC của chúng ta còn rất yếu. Theo ông Cầu thì hiện tại, nhiều địa phương đang vi phạm Luật trong việc giải quyết KNTC. Cụ thể: Luật Giải quyết KNTC không cho phép phó chủ tịch đối thoại với công dân. Nhưng thực tế ở nhiều địa phương cho thấy người đứng đầu chính quyền không mấy khi đứng ra đối thoại với dân. Như vậy, ngay từ trình tự thủ tục ban đầu trong việc giải quyết KNTC đã… vi phạm luật!

Việt Cường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.