Vụ cán bộ tín dụng lấy sổ đỏ thế chấp ra ngoài cầm cố: Ngân hàng Tân Lập vẫn vô can?
Năm 2011, Báo Dak Lak đã đăng tải loạt bài phản ánh vụ việc cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam tại thị xã Buôn Hồ - Chi nhánh Tân Lập (gọi tắt là Ngân hàng Tân Lập, trụ sở đóng ở phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) đem giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở (gọi tắt là sổ đỏ) ra ngoài cầm cố, lừa đảo chiếm đoạt tài sản khiến hàng chục gia đình và doanh nghiệp rơi vào cảnh bi đát. Đến nay, ngoài việc cán bộ tín dụng Võ Thị Hồng Điệp phải chịu mức án tù chung thân và Trưởng phòng tín dụng Lương Ngọc Hoàng 3 năm tù cho hưởng án treo thì dư luận lại càng bức xúc hơn, vì mới đây, TAND TP. Buôn Ma Thuột đã xét xử sơ thẩm và tuyên không chấp nhận nội dung khiếu kiện của những bị hại liên quan đến vụ án này…
Trong vụ kiện này, Doanh nghiệp tư nhân Thương mại Vận tải Hoàng Anh (DN Hoàng Anh) do ông Phạm Văn Hùng làm giám đốc yêu cầu Tòa giải quyết 3 nội dung: Buộc Ngân hàng Tân Lập trong thời gian cụ thể phải trả lại sổ đỏ; Không được tính lãi kể từ ngày Ngân hàng Tân Lập vi phạm hợp đồng khi sổ đỏ bị đưa ra ngoài cầm cố; Buộc Ngân hàng Tân Lập bồi thường 800 triệu đồng tiền ông Hùng và vợ là Vũ Thị Thu Hà bị phạt tiền cọc do làm Hợp đồng đặt cọc để bán nhà nhưng không có sổ đỏ để làm thủ tục.
Trước đó, 28-12-2009, DN Hoàng Anh ký kết hợp đồng tín dụng số 5220-LAV-200900 vay tại Ngân hàng Tân Lập số tiền 1,7 tỷ đồng, thời hạn vay 12 tháng, lãi suất 1,35% /tháng. Tài sản thế chấp với ngân hàng là nhà và đất ở địa chỉ 204 Chu Văn An, TP.Buôn Ma Thuột (sổ đỏ số 4001110141, do UBND tỉnh cấp ngày 11-9-2002, đứng tên Phạm Văn Hùng và Vũ Thị Thu Hà. Sổ đỏ này sau đó đã bị Võ Thị Hồng Điệp, cán bộ tín dụng mang ra ngoài cầm cố). Tháng 1-2011, ông Hùng có ý định bán nhà và đất nói trên cho vợ chồng bà Ban Thị Thanh Vân và ông Hồ Công Hoàng nên cả hai bên đã đến gặp Giám đốc Ngân hàng Tân Lập là ông Trần Đình Thanh. Theo lời ông Hùng, tại đây, ông Thanh bảo hai bên cứ tiến hành thủ tục mua bán, ngân hàng sẽ có trách nhiệm thu hồi sổ đỏ để trả cho khách hàng. Đến ngày 16-1-2011, sau khi hai bên gia đình ông Hùng và gia đình bà Vân đã thỏa thuận được mức giá 4 tỷ đồng cho căn nhà địa chỉ 204 Chu Văn An và đã tiến hành làm hợp đồng đặt cọc trước 800 triệu, thời gian hoàn tất việc mua bán là 2 tháng. Sau khi ký kết hợp đồng bán nhà và đất với bà Vân, ông Hùng đã nhiều lần mang tiền đến Ngân hàng Tân Lập trả để lấy sổ đỏ về nhưng ngân hàng không giải quyết. Hết hạn hợp đồng, vợ chồng ông Hùng và bà Hà đành phải chịu phạt 800 triệu cho bên mua nhà vì vi phạm hợp đồng.
Đối với diễn biến sự việc nêu trên thì có thể thấy, những nội dung mà DN Hoàng Anh yêu cầu tòa giải quyết là hoàn toàn có cơ sở. Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm, Hội đồng xét xử đã cho rằng: vì DN Hoàng Anh chưa thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng thì chưa phát sinh nghĩa vụ ngân hàng phải trả lại sổ đỏ cho DN(!?) Đối với nội dung yêu cầu của nguyên đơn là “Không được tính lãi kể từ ngày Ngân hàng Tân Lập vi phạm hợp đồng khi sổ đỏ bị đưa ra ngoài cầm cố”, phiên tòa sơ thẩm cũng không đề cập xem xét, vì Hội đồng xét xử cho rằng “đây là vụ kiện đòi bồi thường ngoài hợp đồng”. Còn nội dung nguyên đơn yêu cầu “Buộc Ngân hàng Tân Lập bồi thường 800 triệu đồng tiền ông Hùng và vợ là Vũ Thị Thu Hà bị phạt cọc do làm Hợp đồng đặt cọc để bán nhà nhưng không có sổ đỏ để làm thủ tục” thì phiên tòa sơ thẩm lại cho rằng: ông Hùng, bà Hà không cung cấp được chứng cứ chứng minh ông bà đã mang tiền đến trả nợ ngân hàng nhưng ngân hàng không nhận. Việc ông Hùng bà Hà đã nhận tiền cọc để chuyển nhượng nhà và đất khi tài sản còn thế chấp tại ngân hàng và chưa có sự đồng ý của ngân hàng là vi phạm hợp đồng thế chấp nên Ngân hàng Tân Lập không có nghĩa vụ phải bồi thường(!?) Từ những lập luận trên, phiên tòa sơ thẩm đã tuyên bác đơn khởi kiện của DN Hoàng Anh, kèm theo đó DN Hoàng Anh phải chịu 36 triệu đồng tiền án phí.
Trong khi đó, theo ông Hùng cũng như luật sư bảo vệ quyền lợi của nguyên đơn tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử đã cố tình bỏ qua những bằng chứng cơ bản để giải quyết vụ án theo hướng có lợi cho Ngân hàng Tân Lập. Cụ thể, TAND TP. Buôn Ma Thuột thụ lý và giải quyết vụ án kinh doanh thương mại nhưng bản án lại “biến” thành vụ án dân sự “đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” để không xem xét hai trong số ba nội dung mà DN Hoàng Anh khởi kiện. Theo ông Hùng cho biết, trước đó, trong quá trình giải quyết vụ án, hai bên (gia đình ông Hùng và Ngân hàng Tân Lập) đã đi đến thỏa thuận không tính lãi suất kể từ ngày sổ đỏ bị đưa ra ngoài cầm cố (hai bên đã thỏa thuận không tính lãi suất kề từ ngày 22-1-2010 cho đến ngày ngân hàng thu hồi được sổ đỏ). Trong khi đó, Hội đồng xét xử lại cho rằng DN Hoàng Anh đã vi phạm “hợp đồng thế chấp” để xử bác yêu cầu đòi bồi thường 800 triệu đồng. Mặc dù tại phiên tòa, ông Hùng khẳng định rằng ông chỉ ký “hợp đồng tín dụng” với Ngân hàng Tân Lập chứ không hề ký “Hợp đồng thế chấp”. Đồng thời, khi yêu cầu bị đơn xuất trình bản gốc hợp đồng thì đại diện cho ngân hàng là ông Nguyễn Kiến Quốc khai là đã… mất. Thế nhưng Hội đồng xét xử vẫn cố tình lấy đó làm “căn cứ” để bác yêu cầu của nguyên đơn(!). Ngoài ra, việc tiến hành hợp đồng mua bán nhà giữa gia đình ông Hùng và gia đình bà Vân (đặt cọc tiền) diễn ra sau khi hết hạn hợp đồng với ngân hàng (thời điểm ngày 16-1-2011), tức thời điểm này hợp đồng với Ngân hàng Tân Lập đã hết giá trị! Và ngay cả chứng thư ngày 1-6-2010, của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Dak Lak gửi Cơ quan CSĐT CA tỉnh về việc “Giám định hồ sơ vay vốn tại Ngân hàng Tân Lập” cũng không được Hội đồng xét xử nhắc đến.
Tương tự như DN Hoàng Anh là trường hợp của bà Dương Thị Kim Hoa (trú ở phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột). Ngày 8-1-2010, bà Hoa cùng chồng mang giấy tờ nhà đất đến vay Ngân Hàng Tân Lập 400 triệu đồng (theo Hợp đồng tín dụng số 5220-LVA-2010.00013). Ngày 10-2-2010, vợ chồng bà Hoa chuyển nhượng nhà và đất nói trên cho bà Trần Anh Thúy Quỳnh với giá 1,05 tỷ đồng. Bà Hoa đã nhận của bà Quỳnh 300 triệu đồng tiền cọc, nhưng khi đến trả nợ vay để lấy sổ đỏ ra thì Ngân hàng Tân Lập tìm cách lãng tránh và kéo dài thời gian. Đến ngày 31-3-2010, khi CQĐT Công an tỉnh mời lên lấy lời khai thì bà Hoa mới biết sổ đỏ thế chấp ở ngân hàng đã bị cán bộ Ngân hàng Tân Lập đưa ra ngoài cầm cố, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Không lấy được sổ đỏ về, gia đình bà Hoa đành phải chịu bị bà Quỳnh phạt cọc 300 triệu đồng. Bà Hoa cũng đã làm đơn khởi kiện Ngân hàng Tân Lập đến TAND TP. Buôn Ma Thuột. Tuy nhiên, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ việc này đã phải tạm hoãn vì thiếu nhân chứng và đại diện Ngân hàng Tân Lập không xuất trình được bản gốc “Hợp đồng thế chấp” vì lý do “Giám đốc đi vắng”(!?).
Tổ bạn đọc
Ý kiến bạn đọc