Phản hồi bài báo "Cơ quan tố tụng huyện Ea Kar có bỏ lọt tội phạm?"
LTS: Sau khi Báo Dak Lak số ra ngày 15-11-2013 đăng bài “Cơ quan tố tụng huyện Ea Kar có bỏ lọt tội phạm”, bà Phạm Thị Hẹn, người bị hại trong vụ án hình sự “Làm nhục người khác” và “Cố ý gây thương tích”có ý kiến phản hồi đến Tòa soạn. Để rộng đường dư luận, Tòa soạn xin đăng ý kiến phản hồi nói trên.
"Trước hết tôi xin chân thành cảm ơn Tòa soạn đã đưa nội dung khiếu nại của tôi về những khuất tất trong vụ án hình sự mà tôi là người bị hại để các cơ quan pháp luật của huyện Ea Kar xem xét lại một cách thận trọng, xử lý vụ án đúng người đúng tội. Tuy nhiên thật đáng tiếc là nhiều thông tin mà Tòa báo đã đăng không đúng với sự thật, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của tôi, cũng như xuyên tạc bản chất của vụ án. Cụ thể như sau:
Một là: Tại thời điểm bị cáo Nguyễn Thị Lan cùng một số người đánh tôi (ngày 25-7-2010) tại nhà ông Vũ Đình Thái – trú tại: thôn Trung An, xã Ea Tyh, huyện Ea Kar, thì lúc đó việc giải quyết ly hôn giữa ông Thái và Nguyễn Thị Lan đã xong, vì trước đó (ngày 29-6-2010) TAND huyện Ea Kar đã xét xử vụ ly hôn. Sau khi xử sơ thẩm, Nguyễn Thị Lan không hề có kháng cáo gì mà chỉ có ông Thái kháng cáo phần tài sản, chứ không kháng cáo về ly hôn. Như vậy, sau 15 ngày kể từ ngày tuyên án, phần ly hôn không bị kháng cáo thì có hiệu lực pháp luật. Cho nên việc Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Ea Kar trả lời là “Thời điểm này, ông Thái và bà Lan đang trong giai đoạn ly hôn” là không đúng. Cũng chính từ đây mà cơ quan điều tra nhận định: “Khi đến nhà thì Lan phát hiện ông Thái và bà Hẹn đang ở trên giường. Lúc này, do ghen tuông nên Lan xông vào cầm tay, túm tóc lôi kéo bà Hẹn ra khỏi nhà trong tình trạng bà Hẹn không mặc áo” cũng là hoàn toàn sai thực tế. Vì rằng, tôi đã tường trình rõ trước cơ quan điều tra tối hôm đó tôi và ông Thái đi xem hàng về muộn gặp trời mưa nên ghé vào nhà ông Thái, thì bất ngờ bà Lan và mấy đứa em cùng nhiều người lạ xúm lại hành hung tôi, không hề có chuyện tôi “đang ở trên giường không mặc áo” như Công an huyện Ea Kar nói. Và cũng là vô lý khi nói “do ghen tuông nên Lan xông vào cầm tay, túm tóc lôi kéo bà Hẹn ra khỏi nhà” vì Lan không có cớ gì ghen tuông với tôi cả, bởi Lan đã ly hôn xong với ông Thái rồi. Đây là hành vi có tính chất côn đồ lẽ ra phải được truy cứu đúng với tính chất của tội phạm, nhưng đáng tiếc cơ quan điều tra cho là nguyên nhân chính đáng của kẻ gây án!
Hai là: Nguyễn Thị Lan phạm tội vào ngày 25-7-2010 và tôi đã có đơn tố cáo gửi Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Ea Kar vào ngày 27-7-2010 nhưng mãi đến ngày 10-3-2011 (tức là sau 8 tháng) thì Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Ea Kar mới ra quyết định khởi tố vụ án hình sự. Ngày 4-5-2011, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Ea Kar ra quyết định khởi tố bổ sung về hành vi Làm nhục người khác của Lan. Đây là sự chậm trễ không bình thường, vì gần cả năm trời sau khi phạm tội, Lan mới bị khởi tố nên Lan có điều kiện để bỏ trốn khỏi địa phương đi ra nước ngoài và Cơ quan Cảnh sát điều tra phải ra lệnh truy nã toàn quốc đối với Nguyễn Thị Lan. Khi biết tin Lan trở về tỉnh Hải Dương thì người nhà của tôi là anh Tiêu Công Dương đã chỉ địa điểm nơi ẩn náu của thị Lan cho Công an bắt.
Nguyễn Thị Lan phạm tội rồi bỏ trốn phải truy nã toàn quốc và không cư trú tại tỉnh Dak Lak mà Cơ quan tố tụng huyện Ea Kar cho Lan tại ngoại là trái pháp luật, gây nhiều hoài nghi cho gia đình tôi cũng như dư luận trong quần chúng nhân dân. Việc ông Hà Văn Hưng đại diện ngành pháp luật huyện Ea Kar trả lời cho Báo là bị can Lan phạm tội ít nghiêm trọng, đã ra đầu thú nên cho tại ngoại là không đúng pháp luật, vì bị can Lan phạm 2 tội (cố ý gây thương tích và làm nhục người khác), bỏ trốn gây khó khăn cho việc điều tra và phải truy nã toàn quốc nên sau 3 năm vụ án vẫn chưa được đưa ra xét xử. Đề nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra lại quyết định cho tại ngoại đối với bị can Nguyễn Thị Lan.
Ba là: Về nhân chứng: Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Ea Kar cho rằng: Những người làm chứng là người nhà của bị hại là không chính xác vì một trong số nhân chứng là anh Nguyễn Văn Doanh (trú tại: thôn Quyết Tâm, xã Ea Tyh, huyện Ea Kar) không phải là người nhà của tôi. Và có quy định nào cấm người nhà làm nhân chứng khi mà họ chứng kiến rõ ràng sự việc đã diễn ra?
Bốn là: Kết luận giám định pháp y xác định tôi – Phạm Thị Hẹn – bị nhiều chấn thương ở đầu, mặt, ngực, sưng nề đỉnh phải, dập nhãn cầu, khó thở; tỷ lệ thương tật là 12%. Bị cáo Nguyễn Thị Lan là phụ nữ nhỏ, yếu, sức khỏe không được như tôi nên không thể làm gì được tôi để gây ra nhiều thương tích như vậy được nếu như không có đồng bọn giúp sức (như tôi đã nói ở trên)? Nếu cần, phải thực nghiệm điều tra dựng lại hiện trường để xem từ nơi xảy ra sự việc (nhà ông Thái) đến UBND xã Ea Tyh khoảng 1.500m thị Lan có vừa lôi tôi đi, vừa đánh tôi gây thương tích như vậy được không? Phạm Thị Hẹn”.
Như vậy, theo trình bày của bà Phạm Thị Hẹn thì có nhiều căn cứ cho thấy kết quả điều tra vụ án cần được xem xét lại. Đề nghị các cơ quan tố tụng huyện Ea Kar cho tăng cứu hồ sơ để bảo đảm xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Tòa soạn
Ý kiến bạn đọc