Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và tệ nạn ma túy trong tình hình mới

09:24, 03/01/2014
Trong những năm gần đây, tình hình tệ nạn ma túy và tội phạm ma túy trên địa bàn Dak Lak có xu hướng diễn biến ngày càng phức tạp.
 
Từ chỗ chỉ xuất hiện ở một số địa bàn trọng điểm thì nay ma túy và tệ nạn ma túy đã được phát hiện ở cả 15/15 huyện, thị xã, thành phố; số vụ và số lượng ma túy lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ được năm sau cao hơn năm trước. Ngoài các loại ma túy thường gặp trước đây như hêrôin, thuốc phiện, đã xuất hiện một số loại ma túy mới, trong đó, đặc biệt nguy hiểm là các loại ma túy tổng hợp như: Ketamine, Methamphetamine (hay còn gọi là “hàng đá”), Para-Methoxe-Methamphetamine. Đây là sản phẩm của sự kết hợp giữa ma túy với các loại hóa chất độc hại, khi sử dụng nó tác động trực tiếp lên não bộ, gây cảm giác hưng phấn, ảo giác và thường được giới trẻ ăn chơi ưa thích; việc sử dụng thường xuyên ma túy tổng hợp sẽ gây tổn hại hệ thống não bộ, khiến người sử dụng quên ăn, quên ngủ, hầu hết có dấu hiệu tâm thần, luôn có những ảo giác về đâm chém, chết chóc và khoái cảm tột độ. Đó cũng là nguyên nhân của nhiều vụ án mạng thương tâm xảy ra trong thời gian qua ở một số tỉnh thành trong cả nước mà báo chí, các phương tiện truyền thông đã nhiều lần nhắc tới và cảnh báo.
Công an huyện Ea H’leo nhổ bỏ cây cần sa trồng trái phép               tại thôn Thái, xã Ea Sol (Ea H’leo).                             Ảnh: T.T
Công an huyện Ea H’leo nhổ bỏ cây cần sa trồng trái phép tại thôn Thái, xã Ea Sol (Ea H’leo). Ảnh: T.T

Thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy trên địa bàn tỉnh cũng ngày càng tinh vi, manh động. Thành phần tội phạm cũng rất đa dạng, chủ yếu là người nghiện ma túy, người không có việc làm ổn định, người mắc bệnh hiểm nghèo…; đáng chú ý một số vụ có sự tham gia của học sinh, sinh viên, cán bộ công chức. Phương thức vận chuyển chủ yếu bằng đường bộ thông qua xe khách, hình thức có thể đối tượng trực tiếp mang trên người hoặc hành lý, có thể thông qua gửi quà bên trong có cất giấu ma túy, cá biệt có trường hợp vận chuyển ma túy thông qua đường bưu điện, một số vụ đối tượng sử dụng trẻ em vào việc giao nhận ma túy… Tình trạng sử dụng, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy chủ yếu tập trung tại các địa điểm là nhà nghỉ, nơi công cộng, một số tại các gia đình. Số người nghiện ma túy gia tăng qua các năm đã kéo theo tỷ lệ xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy tăng: năm 2010 toàn tỉnh có 87/184 xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy; năm 2011 tăng lên 102/184 xã, phường, thị trấn; cuối năm 2012 toàn tỉnh có 124/184 xã, phường, thị trấn và hiện nay là 125/185 xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng phát hiện tại một số địa bàn như: các huyện Ea H’leo, Krông Pak, Ea Kar, Cư Kuin, Buôn Đôn, TX.Buôn Hồ và ngay tại TP. Buôn Ma Thuột có tình trạng trồng cây có chứa chất ma túy (cây cần sa), không chỉ trồng xen kẽ với các loại cây trồng khác, có trường hợp đối tượng đã trồng cây cần sa với diện tích lớn, như vụ trồng cây cần sa trên diện tích 7.542m2 tại huyện Ea H’leo.

Vấn đề đặt ra là tại sao công tác truyền thông phòng, chống ma túy đã được đẩy mạnh hơn trước; nhiều đề án, dự án phòng, chống ma túy đã được triển khai; công tác đấu tranh phòng, chống ma túy của các lực lượng chức năng đã được tăng cường… nhưng tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy vẫn diễn biến phức tạp, chưa được kiềm giảm hiệu quả?

Trước hết không thể phủ nhận, đó chính là siêu lợi nhuận mà việc mua bán ma túy đem lại đã khiến một bộ phận những người lười lao động, thích ăn chơi, hưởng thụ, muốn làm giàu nhanh chóng lao vào vòng xoáy tội lỗi, bất chấp hậu quả và sự trừng phạt của pháp luật. Bên cạnh đó, mặt trái của quá trình mở cửa hội nhập đã đẩy một bộ phận lao động vào tình trạng thất nghiệp, trở thành lao động tự do; phân hóa giàu nghèo diễn ra nhanh chóng; thiên tai, dịch bệnh, giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng cao… hình thành nên những nhóm có nguy cơ cao dễ bị tội phạm ma túy lợi dụng lôi kéo vào con đường phạm tội hoặc trở thành những con nghiện lệ thuộc vào chúng. Ngoài ra, tình trạng di dân tự do đến địa bàn tỉnh, nhất là đồng bào các tỉnh phía Bắc vào các địa bàn vùng sâu, vùng xa của tỉnh, thêm vào đó là lao động làm theo mùa vụ đã gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự. Cũng không thể phủ nhận những tồn tại, hạn chế của công tác phòng, chống ma túy. Cụ thể: Một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa thực sự quan tâm đến công tác phòng, chống ma túy, ý thức cho rằng đây là nhiệm vụ của lực lượng Công an vẫn chưa được xóa bỏ, nên chưa có sự chỉ đạo quyết liệt các ban, ngành chức năng cùng vào cuộc. Công tác tuyên truyền, giáo dục phòng chống ma túy nhiều nơi còn mang tính hình thức, chủ yếu được tiến hành theo lối mòn cũ, nội dung, cách thức tuyên truyền chậm được đổi mới và chưa nhằm vào đối tượng tuyên truyền, giáo dục cụ thể, nhất là nhóm đối tượng có nguy cơ cao như: thanh thiếu niên, lao động tự do, người không nghề nghiệp… nên chưa có sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức của một bộ phận nhân dân (đơn cử: nhiều người trong đó chủ yếu là lớp trẻ vẫn cho rằng sử dụng ma túy tổng hợp không gây nghiện, không ảnh hưởng tới sức khỏe mà chỉ coi là chất xúc tác cho các cuộc vui chơi). Việc thực hiện nội dung của các đề án, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy, trong đó có dự án “Xây dựng xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy” chưa được tiến hành đồng bộ, các ban, ngành chủ trì thực hiện các tiểu đề án, dự án chủ yếu hoạt động độc lập, riêng lẻ theo chức năng, chưa có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trong phòng, chống ma túy. Công tác xây dựng mô hình điểm về phòng, chống ma túy đã triển khai nhưng chưa đồng đều, một số nơi triển khai nhưng thiếu chỉ đạo nên không có hiệu quả, việc nhân rộng mô hình điểm phòng, chống ma túy chưa được quan tâm chú trọng. Hoạt động rà soát, thống kê người nghiện ma túy có lúc, có nơi chưa thường xuyên, kịp thời, việc áp dụng tiêu chí thống kê không thống nhất đã ảnh hưởng đến việc đánh giá đúng thực trạng tình hình, hạn chế hiệu quả phòng chống ma túy. Công tác lập hồ sơ đưa người nghiện đi cơ sở cai nghiện bắt buộc nhìn chung chưa được quan tâm đúng mức, công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng chưa mang lại hiệu quả.

Để khắc phục những nguyên nhân, điều kiện của tình hình tội phạm, nhằm kiềm chế sự gia tăng, tiến tới kéo giảm và đẩy lùi tệ nạn ma túy, cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, bên cạnh các giải pháp về kinh tế - xã hội (tập trung phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân…) và tăng cường các giải pháp phòng ngừa nghiệp vụ của lực lượng công an, Viện KSND, TAND, cần chú trọng hơn đến những giải pháp phòng ngừa xã hội. Cụ thể, các cấp ủy đảng, chính quyền cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy, tạo sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể, nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm, năng lực của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và toàn thể nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy; đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền về tác hại, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm và tệ nạn ma túy nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy bằng nhiều hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng địa bàn; nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội, quan tâm công tác đào tạo nghề cho người nghiện để sau khi cai nghiện xong trở về cộng đồng có thể tìm được công việc ổn định và tránh bị tái nghiện thực hiện tốt công tác quản lý cai nghiện tại gia đình, cộng đồng; đẩy mạnh phát động phong trào toàn dân tham gia phát hiện tố giác tội phạm và tệ nạn ma túy tại cộng đồng...

Đại tá Đoàn Quốc Thư

(Phó Giám đốc Công an tỉnh)


Ý kiến bạn đọc