Multimedia Đọc Báo in

Cần hướng dẫn thêm đối với việc thu lệ phí chứng thực chữ ký hiện nay

07:24, 08/03/2014
"Chứng thực chữ ký” là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứng thực rằng chữ ký trong các loại giấy tờ, văn bản là chữ ký của người đã yêu cầu chứng thực. Chữ ký được chứng thực có giá trị chứng minh người yêu cầu chứng thực đã ký chữ ký đó, và là căn cứ để xác định trách nhiệm của người ký về nội dung của giấy tờ, văn bản.

Hiện nay ở địa phương, UBND các xã, phường, thị trấn và Phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố thực hiện việc chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt và chữ ký của người dịch trong các giấy tờ, văn bản từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt hoặc từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài; chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài. Trong các trường hợp này, mức thu lệ phí chứng thực chữ ký do HĐND cấp tỉnh quy định trên cơ sở quy định của Thông tư  liên tịch số 92/2008/TTLT-BTC-BTP ngày 17-10-2008 của liên Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp hướng dẫn về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí cấp bản sao, lệ phí chứng thực. Theo đó, ở địa phương HĐND tỉnh được phép quy định mức thu lệ phí phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, nhưng không được quá mức thu được quy định tại Thông tư liên tịch số 92/2008/TTLT-BTC-BTP là 10.000 đồng/trường hợp.

Ở tỉnh ta, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 03/2009/NQ-HĐND ngày 10-7-2009 về mức thu lệ phí bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký trên địa bàn tỉnh. Theo đó, lệ phí chứng thực chữ ký được thu “5.000 đồng/trường hợp”. Quy định này hoàn toàn phù hợp với Thông tư liên tịch số 92/2008/TTLT-BTC-BTP. Tuy nhiên, ở đây có hai cách hiểu khác nhau về việc thu lệ phí này: một là, “thu 5.000 đồng đối với một trường hợp” có nghĩa là “thu 5.000 đồng đối với một loại tài liệu có liên quan đến việc chứng thực”, cho dù tài liệu này được ký và làm thành nhiều bản. Hai là, “thu 5.000 đồng đối với một trường hợp” có nghĩa là thu “5.000 đồng đối với một chữ ký cần chứng thực”, và do đó nếu “một tài liệu” được làm thành nhiều bản và người yêu cầu chứng thực đều ký trên tất cả các bản tài liệu, thì lệ phí được thu theo từng chữ ký được yêu cầu chứng thực.

Trên thực tế, các cơ quan có thẩm quyền chứng thực đã và đang thu theo cách hiểu thứ nhất là “thu 5.000 đồng đối với một loại tài liệu có liên quan đến việc chứng thực”. Như vậy, nếu tài liệu này được người yêu cầu chứng thực chữ ký nhân thành 10, 20 bản (hoặc nhiều hơn thế) và có yêu cầu chứng thực 10 hoặc 20 chữ ký trên các bản tài liệu đó, thì cơ quan có thẩm quyền cũng chỉ thu 5.000 đồng. Cách thu này vô hình chung tạo điều kiện cho người có yêu cầu “thỏa thích” ký và nhân bản loại tài liệu có liên quan đến việc chứng thực mà không sợ gặp phải một “rào cản” thu lệ phí nào cả. Điều này cũng vô hình chung làm cho người có thẩm quyền chứng thực phải “vã mồ hôi” để chứng thực vô điều kiện các chữ ký theo số lượng yêu cầu của người cần chứng thực.

Chúng tôi cho rằng nên thu lệ phí theo cách hiểu thứ hai, có nghĩa là “thu 5.000 đồng đối với một chữ ký”. Vì xét về bản chất, thì việc “chứng thực chữ ký” là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định chữ ký trong các loại giấy tờ, văn bản đúng là chữ ký của người đã yêu cầu chứng thực, để qua đó chứng minh người yêu cầu chứng thực đã ký chữ ký đó và xác định trách nhiệm của người ký về nội dung của giấy tờ, văn bản. Do đó, mỗi chữ ký hiện hữu trên từng bản tài liệu nếu được yêu cầu đều phải được chứng thực, và khi đó chữ ký được chứng thực phải thuộc diện thu lệ phí. Trong trường hợp này, việc chứng thực hoàn toàn không phải là chứng thực nội dung của giấy tờ, tài liệu, cũng không phải là chứng thực bản sao các giấy tờ, tài liệu. Do đó, việc thu theo cách hiểu thứ nhất là thu lệ phí theo “từng tài liệu” là không phù  hợp. Trong trường hợp chứng thực bản sao các giấy tờ tài liệu, thì lệ phí chứng thực cũng được thu theo số lượng tăng dần của các bản sao. Vậy tại sao trong trường hợp chứng thực chữ ký, thì các chữ ký cần chứng thực trên nhiều bản tài liệu lại chỉ được thu một lần theo một loại tài liệu?

Thiết nghĩ cần có nghiên cứu thêm và hướng dẫn cụ thể đối với trường hợp như được nêu trên để việc thu lệ phí chứng thực chữ ký được thực hiện thống nhất, đúng theo quy định của pháp luật.

Hoàng Trọng Hùng

(Sở Tư pháp Dak Lak)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.