Multimedia Đọc Báo in

Hoạt động tiếp dân, bố trí đúng cán bộ mới phát huy hiệu quả

09:09, 19/04/2014
Hoạt động tiếp công dân có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước, thể hiện bản chất của Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân.
 
Hệ thống các cơ quan nhà nước là để phục vụ nhân dân, cán bộ, công chức là công bộc của dân và nhân dân chính là người làm chủ của đất nước. Mọi hoạt động của cán bộ, công chức trong cơ quan nhà nước đều được nhân dân giám sát trực tiếp hoặc thông qua cơ quan, tổ chức đoàn thể khác để giám sát; nhân dân có quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh mọi hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, cán bộ, công chức nhà nước trong việc thực thi nhiệm vụ, công vụ gây thiệt hại đến lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, qua đó góp phần xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh.

Công dân có quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh thông qua nhiều cách thức khác nhau như gửi đơn thư đến cơ quan có thẩm quyền, trình bày kiến nghị với cơ quan, tổ chức đoàn thể hoặc thông qua các hoạt động tiếp xức cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Nhưng thể hiện quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trực tiếp và thường xuyên nhất là thông qua hoạt động tiếp công dân. Hiện nay, hầu hết các cơ quan Đảng, Nhà nước ở Trung ương và địa phương đều có Trụ sở tiếp công dân hoặc Phòng Tiếp công dân để tiếp nhận công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Trụ sở tiếp công dân và Phòng Tiếp công dân đều được trang bị các điều kiện cần thiết để tổ chức tiếp công dân. Việc tiếp công dân có hiệu quả hay không chính là bố trí và quản lý, sử dụng cán bộ tiếp dân. Bởi vì, việc tiếp công dân khác với việc giải quyết thủ tục hành chính, không phải là chuyện cá nhân, tổ chức nộp đủ hồ sơ hợp lệ là có thể thụ lý, viết giấy hẹn và chờ trả kết quả mà tiếp công dân là sự lắng nghe, chia sẻ về nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân, phải nhẹ nhàng, lễ phép chứ không phải vô cảm hay quát nạt. Vì lý do này mà nhiều Trụ sở tiếp dân hay Phòng Tiếp dân thường bố trí cán bộ lớn tuổi, có kinh nghiệm để xử lý nhiều tình huống xảy ra bất ngờ mà cán bộ trẻ không thể xử lý được. Tôi chứng kiến có trường hợp một bác nông dân đến Phòng Tiếp dân với thái độ bức xúc, liên tục chửi bới cán bộ xã là thiếu trách nhiệm, coi dân như cỏ rác, thiếu trình độ hiểu biết, không xứng đáng làm cán bộ... làm náo loạn Phòng Tiếp dân. Cán bộ tiếp dân khi đó hết sức bình tĩnh, ngồi im lắng nghe để mặc bác nông dân cứ chửi bới. Sau khi chửi xong thì mời bác qua uống nước để nghe đầu đuôi ngọn ngành câu chuyện thì sự việc hết sức đơn giản, đó là bác lên UBND xã đề nghị cán bộ xã giải quyết việc gia súc nhà bên thả rông phá hoại hoa màu nhưng không được giải quyết, thế là lên Phòng Tiếp dân để phản ánh. Sau khi ghi xong ý kiến vào Phiếu tiếp dân cán bộ tiếp dân điện xuống UBND xã để trao đổi vấn đề thì ngay hôm sau sự việc đã được giải quyết. Trên đây là một trong những tình huống thường xuyên xảy ra tại nơi tiếp công dân, nếu cán bộ không có kinh nghiệm, không có sự cảm thông và chia sẻ với công dân thì khi đó có thể nhờ bảo vệ hoặc công an xử lý bác nông dân này hay cán bộ tiếp công dân có thể vì mất bình tĩnh mà phản ứng tiêu cực trước sự chửi bới của bác nông dân kia...

Bên cạnh việc cán bộ tiếp dân phải có thái độ đồng cảm, chia sẻ với công dân trong quá trình tiếp công dân thì một trong những yếu tố quan trọng không thể thiếu của người cán bộ tiếp dân là phải có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng để có thể phân tích, xử lý những tình huống mà người dân trình bày có thái độ cực đoan. Đồng thời, cán bộ tiếp dân phải là người có đạo đức trong sáng như không lợi dụng hoạt động tiếp dân để vụ lợi, ví dụ thông qua hoạt động tiếp dân để hứa hẹn chạy việc làm, hoặc nhận giải quyết thủ tục hành chính để vụ lợi...Và cuối cùng, một trong những yếu tố quan trọng tác động rất lớn đến hiệu quả tiếp công dân đó là cán bộ tiếp công dân phải có trình độ, năng lực trong việc tiếp nhận phân loại các nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân để hướng dẫn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Quá trình tiếp công dân cán bộ tiếp dân cần phải giải thích rõ trên cơ sở các quy định của pháp luật một cách đầy đủ, chính xác liên quan đến nội dung mà người dân trình bày.

Chính vì vậy, các cấp ủy Đảng, chính quyền phải thường xuyên quan tâm đến công tác tiếp dân, đặc biệt là bố trí cán bộ tiếp dân đầy đủ tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, trình độ, năng lực, quan trọng hơn đó là kinh nghiệm công tác mới có thể tiếp công dân một cách hiệu quả. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác tiếp dân cần phải được thực hiện thường xuyên và xem cán bộ làm công tác tiếp dân là một chức danh trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước như Thanh tra viên, Trợ giúp viên, Công chứng viên... Mặc dù, chế độ chính sách cho cán bộ làm công tác tiếp dân được Nhà nước quan tâm, tuy nhiên vẫn là thấp so với yêu cầu, nhiệm vụ, do đó cần phải được nâng lên xứng đáng với vị trí công tác này, góp phần tạo điều kiện để cán bộ tiếp dân yên tâm công tác, hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao.

Đỗ Văn Nhân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.