Multimedia Đọc Báo in

Đủ cách đối phó của những "ma men" ngồi sau vô lăng!

20:15, 04/10/2014
Có mặt tại chốt kiểm tra nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế của CSGT (Công an tỉnh), chúng tôi ghi nhận các lái xe đều được tiến hành kiểm tra theo đúng quy trình và nhận được sự đồng tình cao của lái xe. Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp tìm cách đối phó với lực lượng chức năng.
 
So với kiểm tra nồng độ cồn theo phương pháp truyền thống thì kiểm tra theo kinh nghiệm quốc tế có ưu điểm không mất nhiều thời gian của lái xe, tăng số lượng phương tiện được kiểm tra và không gây ùn tắc giao thông. Đặc biệt, đối với lái xe ôtô, không cần phải xuống xe, chỉ cần mở cửa kính, thổi vào ống đo định tính, nếu không vi phạm sẽ được đi tiếp, còn vi phạm thì CSGT sẽ yêu cầu lái xe điều khiển phương tiện đến khu vực kiểm tra định lượng để biết mức độ cụ thể và tiến hành lập biên bản xử lý vi phạm. Tuy nhiên, việc kiểm tra này không phải lúc nào cũng suôn sẻ, nhất là tình trạng chống đối người thi hành công vụ. Đơn cử trong đêm 23-9-2014, khi CSGT ra hiệu lệnh dừng xe ôtô mang BKS 47A 075.XX để kiểm tra nồng độ cồn, tài xế nhanh chóng rút khóa, ra khỏi xe và “biến mất” ngay lúc đó. Khoảng 1 giờ đồng hồ sau, nhằm đối phó với lực lượng chức năng, người phụ nữ ngồi trong xe đã mượn một “lái xe giả danh” để đối phó với tổ kiểm tra. Tuy nhiên, khi tổ trưởng tổ kiểm tra thông báo, nếu phát hiện người được kiểm tra không phải là tài xế của chiếc xe nêu trên thì mức phạt sẽ cao hơn rất nhiều. Sau khoảng 2 giờ, lái xe mới chịu quay lại để kiểm tra nồng độ cồn, kết quả chủ nhân chiếc xe trên bị lập biên bản xử phạt 7,5 triệu đồng, với lỗi vượt quá 0,25 – 0,4 miligam/1 lít khí thở. Ngoài trường hợp nêu trên, còn có một số tài xế thay vì xuống xe, thực hiện theo yêu cầu của CSGT thì ngồi ì trên buồng lái, gọi điện cầu cứu người quen, nếu không thành công mới chấp nhận việc kiểm tra. Thậm chí, có trường hợp tỏ thái độ không hợp tác ngay từ đầu, nhấn ga tông thẳng vào cọc tiêu tại chốt kiểm tra. Thêm vào đó, vẫn còn nhiều lái xe ngậm vào ống thổi của máy kiểm tra, nhưng thổi giả tạo hoặc thổi đứt quãng để cho kết quả không chính xác. Theo quan sát của phóng viên, những trường hợp cản trở, chống đối người thực thi nhiệm vụ đa số là những lái xe đã có hơi men trong người.

Theo Nghị định số 71/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2010 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đối với lỗi không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn của người kiểm soát giao thông, sẽ bị phạt từ 10 đến 15 triệu đồng và áp dụng hình thức phạt bổ sung tước GPLX 60 ngày, đồng thời tạm giữ phương tiện đến 10 ngày. Hy vọng việc xử phạt cao như vậy sẽ là bài học “nhớ đời” với những tài xế sử dụng chất có cồn trước và trong khi lái xe. Qua đó, hạn chế những vụ TNGT thương tâm, mà nguyên nhân trực tiếp do tài xế sử dụng chất kích thích vượt mức quy định cho phép.

 Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Búk chú trọng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Nhiều chương trình, dự án đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Krông Búk đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng ổn định kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.