Multimedia Đọc Báo in

Công tác thi hành án treo và án phạt cải tạo không giam giữ: Cần huy động sự tham gia giám sát, giáo dục của cộng đồng xã hội

10:49, 03/11/2014
Ban Pháp chế - HĐND tỉnh vừa thông qua báo cáo kết quả giám sát “Công tác thi hành án treo và án phạt cải tạo không giam giữ trên địa bàn tỉnh Dak Lak”.

Thực hiện Kế hoạch giám sát số 33/KH-HĐND ngày 10-9-2014 của Ban Pháp chế HĐND tỉnh về “Công tác thi hành án treo và án phạt cải tạo không giam giữ trên địa bàn tỉnh Dak Lak” với mốc thời gian từ tháng 1-2012 đến tháng 6-2014, Đoàn giám sát của Ban Pháp chế đã trực tiếp giám sát tại 9 đơn vị, địa phương, đồng thời giám sát gián tiếp thông qua báo cáo của Cơ quan Thi hành án hình sự (THAHS) Công an 12 huyện, thị, thành phố và Cơ quan THAHS Công an tỉnh. Qua giám sát cho thấy, sau khi nhận các bản án, quyết định có hiệu lực của TAND các cấp, hầu hết các cơ quan THAHS Công an huyện, thị, thành phố đã cơ bản thực hiện trách nhiệm của mình theo quy định tại Điều 62, 63 Luật THAHS như: chủ động triệu tập các đối tượng chấp hành án, tiến hành lập hồ sơ theo quy định, thông báo thời gian cho các đối tượng có mặt tại địa phương để thi hành các quyết định, bản án có hiệu lực của TAND, hầu hết các đối tượng đang chấp hành án đều được lập hồ sơ quản lý và được giao về các địa phương thực hiện công tác quản lý, giám sát và giáo dục.

Các hồ sơ chấp hành án của đối tượng được ghi chép, lưu trữ cụ thể, chặt chẽ, có đơn vị còn lập 2 bộ hồ sơ để tiện theo dõi. Việc chấp hành quy định về thủ tục, trách nhiệm giám sát và giáo dục đối tượng bị phạt tù cho hưởng án treo và án phạt cải tạo không giam giữ tại các địa phương cơ bản bảo đảm theo quy định. Nhiều địa phương đã tổ chức các biện pháp giáo dục, phòng ngừa các đối tượng phạm tội mới thông qua việc thường xuyên gặp gỡ các đối tượng nhằm kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật; tổ chức các buổi gặp mặt phổ biến các chủ trương, chính sách và các quy định của pháp luật cho các đối tượng chấp hành án được biết và động viên họ cùng tham gia các chương trình phát triển kinh tế tại địa phương. Cơ quan THAHS Công an các huyện, thị, thành phố cũng thực hiện khá tốt công tác cấp giấy chứng nhận cho các đối tượng đã chấp hành xong thời gian thử thách của án treo và thời hạn chấp hành án cải tạo không giam giữ khi được địa phương chuyển hồ sơ đề nghị  bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho công dân…

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thi hành án treo và án phạt cải tạo không giam giữ trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua vẫn còn những hạn chế: một số cơ quan THAHS Công an huyện, thị, thành phố còn giao khoán công tác triệu tập đối tượng, lập hồ sơ các đối tượng cho các địa phương; bàn giao hồ sơ các đối tượng về cho địa phương không đảm bảo thời gian quy định; việc theo dõi và lưu trữ hồ sơ trong tiếp nhận các quyết định, bản án có hiệu lực của TAND cũng như các hồ sơ đã chấp hành xong và cấp giấy chứng nhận chưa khoa học, số liệu bất cập, thiếu chính xác. Với những trường hợp đối tượng được triệu tập nhiều lần không có mặt, các cơ quan THAHS Công an cấp huyện chưa áp dụng các biện pháp hành chính theo quy định của pháp luật. Công tác quản lý, giám sát và giáo dục các đối tượng thi hành án treo và án phạt cải tạo không giam giữ ở một số địa phương chưa được sự quan tâm đúng mức của chính quyền, nhất là người đứng đầu; còn phó mặc cho công an viên thường trực, công an viên các thôn, buôn mà chưa huy động được sự tham gia của cộng đồng xã hội với các thành phần như cán bộ MTTQ và các đoàn thể, già làng, người có uy tín trong cộng đồng…

Qua giám sát, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã kiến nghị Cơ quan THAHS Công an tỉnh tiếp tục mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ thi hành án hình sự, nhất là thi hành án treo và án phạt cải tạo không giam giữ cho đội ngũ cán bộ thuộc cơ quan THAHS cấp huyện; tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh việc tổ chức thực hiện công tác thi hành án treo và án phạt cải tạo không giam giữ thuộc trách nhiệm của các cơ quan THAHS Công an cấp huyện. UBND các xã, phường, thị trấn nâng cao trách nhiệm của Chủ tịch UBND, Trưởng Công an cấp xã trong công tác quản lý, giám sát và giáo dục các đối tượng thi hành án treo và án phạt cải tạo không giam giữ tại địa phương; huy động và phối hợp chặt chẽ các ban ngành, đoàn thể ở địa phương trong việc giám sát, giáo dục các đối tượng; xây dựng và tổ chức các biện pháp giáo dục, phòng ngừa hiệu quả nhằm giúp đỡ các đối tượng chấp hành án thực hiện tốt nghĩa vụ đã cam kết, tích cực tham gia phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương…

Hồng Thủy


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.