Nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại
Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa. |
Từ đầu năm đến nay, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh đã tiến hành kiểm tra, xử lý 738 vụ kinh doanh trái pháp luật, thu nộp ngân sách Nhà nước trên 3 tỷ đồng, trong đó có 78 vụ hàng cấm, hàng lậu; 153 vụ hàng giả; tịch thu hàng hóa gồm hơn 6.100 bao thuốc lá ngoại nhập, 579 chi tiết phụ tùng ôtô, 295 lưỡi cưa máy, 100 kính đeo mắt không rõ nguồn gốc xuất xứ, hơn 1.700 lọ mỹ phẩm kém chất lượng… So với cùng kỳ năm 2013, số vụ được phát hiện, xử lý tăng 15 vụ, cho thấy tình hình buôn lậu, kinh doanh trái phép vẫn còn phức tạp và có chiều hướng gia tăng...
Theo Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (gọi tắt là Ban chỉ đạo 389) của tỉnh, trong điều kiện sản xuất khó khăn, hàng trong nước tiếp tục chịu sự cạnh tranh gay gắt từ phía hàng nhập ngoại, cộng với tâm lý sính hàng ngoại, hoặc ham hàng giá rẻ của một bộ phận người tiêu dùng đã tiếp tay cho hàng lậu, hàng giả xâm nhập vào thị trường nội địa. Trong khi đó, công tác đấu tranh ngăn chặn tình trạng buôn lậu, sản xuất, mua bán hàng giả, gian lận thương mại vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức và chưa đạt hiệu quả cao so với diễn biến thực tế trên thị trường do chưa xây dựng được nhiều cơ sở báo tin đáng tin cậy. Công tác tuyên truyền vận động để mọi người dân đều có ý thức chấp hành pháp luật thương mại chưa được đẩy mạnh tương ứng. Sự phối hợp chống hàng giả giữa nhà sản xuất với lực lượng chức năng có lúc còn chưa đồng bộ và kịp thời… Một trong những trở ngại phải kể đến là thiết bị hỗ trợ để kiểm tra nhanh chất lượng hàng hóa và mẫu hàng thật để đối chứng với hàng giả... không có hoặc chưa được trang bị đầy đủ. Bên cạnh đó, các vi phạm về sở hữu trí tuệ đều mang tính phức tạp, phải trưng cầu giám định, trong khi đó chi phí giám định cao, thời gian giám định dài cũng gây nhiều khó khăn trong quá trình xử lý của lực lượng.
Đánh giá tình hình thị trường trong thời gian tới, ông Giao Thanh Tùng, Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh nhận định: Tình hình vi phạm, gian lận thương mại sẽ còn phức tạp hơn bởi thời kỳ hội nhập, thị trường sẽ xuất hiện những phương thức kinh doanh mới như nhượng quyền thương mại, mua bán hàng trực tuyến, sử dụng thẻ thanh toán điện tử, kéo theo mặt trái của nó là tình trạng xâm phạm bản quyền, nạn ăn cắp bí mật thông tin cá nhân... ngày càng tinh vi, khó phát hiện và gây thiệt hại lớn cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, nền kinh tế hội nhập càng sâu vào nền kinh tế thế giới, thì nguy cơ xuất hiện các ổ nhóm, đường dây buôn lậu xuyên quốc gia là điều không thể tránh khỏi. Chính vì thế, việc nỗ lực bám sát địa bàn, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại là nhiệm vụ thường xuyên được Chi cục chú trọng.
Theo đó, để công tác kiểm soát hành vi buôn bán vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên địa bàn trong thời gian tới đạt hiệu quả cao, lực lượng QLTT tỉnh đã và đang nỗ lực triển khai nhiều biện pháp như chú trọng tuyên truyền, phổ biến pháp luật bằng nhiều hình thức để các hộ kinh doanh và người dân được biết, chấp hành đúng; làm tốt công tác dự báo tình hình cung cầu hàng hóa, giá cả các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân. Đặc biệt, tăng cường kiểm tra nhóm hàng hóa thường có nguy cơ bị làm giả, nhóm mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về giá, chống các hành vi đầu cơ, găm hàng, nhất là dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi sắp đến. Cùng với đó, kiến nghị Chính phủ sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định 163/2013/NĐ-CP, ngày 12-11-2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón và vật liệu nổ công nghiệp, bởi theo Nghị định hiện hành, lực lượng QLTT không có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón…
Trần Văn Hiền
(Phòng Nghiệp vụ - Chi cục Quản lý thị trường tỉnh)
Ý kiến bạn đọc