Lời xin lỗi chân thành của những người từng lầm lỗi
Vừa qua, ngày 28-11-2014 Trại giam Dak Tân đã tổ chức sơ kết phong trào viết thư “Gửi lời xin lỗi”. Sau 8 tháng phát động đã có 1.514 phạm nhân viết thư, trong đó phạm nhân có tiền án, tiền sự là 311 phạm nhân (chiếm 20,5%); đối tượng tham gia viết thư chủ yếu là phạm nhân các tội liên quan đến ma túy: 295 phạm nhân, chiếm tỷ lệ 19,5%; cướp tài sản: 121 phạm nhân, chiếm tỷ lệ 8%; cướp giật tài sản: 136 phạm nhân, chiếm tỷ lệ 9%; giết người: 47 phạm nhân, chiếm tỷ lệ 3,1%; cố ý gây thương tích: 431 phạm nhân, chiếm tỷ lệ 28,47%; hiếp dâm: 56 phạm nhân, chiếm tỷ lệ 3,7%; các tội khác: 428 phạm nhân, chiếm tỷ lệ 28,23%.
Qua kiểm duyệt số thư đã viết, trong đó có 215 lá thư có nội dung đạt chất lượng tốt, chiếm tỷ lệ 14,2%. Có những lá thư của những người có trình độ thấp, nét chữ còn thiếu nét, sai chính tả nhưng nội dung chất chứa đầy nỗi niềm của người viết. Những lá thư gửi đi dù nội dung đa dạng, phong phú, nhưng hầu hết đều bảy tỏ sự ân hận, day dứt về hành vi sai trái mà mình đã làm, khao khát muốn gửi đến người bị hại, thân nhân người bị hại hoặc những người thân yêu lời xin lỗi chân thành từ tận đáy lòng người viết, mong muốn nhận được sự khoan dung, vị tha của người nhận thư, để phần nào vơi đi mặc cảm tội lỗi, khích lệ họ trên con đường hoàn lương, sớm trở về hòa nhập cộng đồng, sống có ích cho xã hội. Sau khi thư gửi đi Trại đã nhận được 252 lá thư hồi âm, Ban tổ chức đã tổ chức tiếp xúc, gặp gỡ một số người có phản hồi thư, phần lớn đều sẵn lòng xóa bỏ hận thù, tha thứ cho người đã từng gây ra lỗi lầm rất lớn trong quá khứ nay đã biết ăn năn hối cải.
Tại buổi sơ kết phong trào viết thư gửi lời xin lỗi, Ban tổ chức chọn ra những lá thư có nội dung sâu sắc, ý nghĩa để đọc tại buổi sơ kết và tổ chức giao lưu với những người có thư hồi âm đối với các phạm nhân. Sau khi nghe người viết tự đọc thư và giao lưu với người hồi âm, mỗi người đến tham dự buổi sơ kết đều có cảm xúc và bài học cho riêng mình. Đó là trường hợp của phạm nhân Hoàng Bảo Ba đọc thư xin lỗi người bị hại (anh Lợi), người bị hại được mời lên giao lưu với thế chủ động bắt tay và cái nhìn mang ý nghĩa tha thứ cho phạm nhân Ba đã làm cho hội trường như lặng im vì xúc động. Anh Lợi bày tỏ và mong muốn qua sự thể hiện ăn năn hối cải, phạm nhân Ba tiếp tục cố gắng cải tạo tốt để sớm được trở về với cuộc sống đời thường. Hoặc có thể kể đến trường hợp của phạm nhân Hờ A Sình và Hoàng Đình Thu đọc thư xin lỗi người bị hại (anh Cao) đang công tác tại Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô. Khi được mời lên giao lưu, anh Cao đã chủ động ôm các phạm nhân với sự thông cảm, quên đi những lỗi lầm do các phạm nhân đã gây ra thương tích trên thân thể anh. Hay như trường hợp của phạm nhân Nguyễn Văn Mạnh khi đọc thư xin lỗi mẹ mình đã phải dừng lại liên tục bởi quá xúc động. Trong hội trường khi ấy có nhiều người mắt đã ngấn lệ và đến lúc mẹ của phạm nhân Mạnh lên giao lưu, cái ôm của hai mẹ con họ đã làm cả hội trường bật lên nhiều tiếng khóc, phần vì thông cảm cho hoàn cảnh, phần vì mừng cho bà mẹ dù con mình có phạm phải lỗi lầm nhưng đã nhận ra và đang quyết tâm khắc phục, cố gắng cải tạo thật tốt…
Có thể thấy, phong trào viết thư “Gửi lời xin lỗi” đã giúp các phạm nhân nói lên được nỗi niềm day dứt của mình, bộc lộ được cảm xúc thật từ đáy lòng, qua đó thôi thúc phạm nhân quyết tâm cải tạo thật tốt để sớm trở về hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội bởi họ hiểu rằng: Sau khi được tha thứ về lỗi lầm thì chính họ mới là người tự cứu mình.
LS Đặng Tiến
(Trung tâm Tư vấn pháp luật)
Ý kiến bạn đọc