Báo động tình trạng gia tăng các loại tội phạm hình sự
Theo báo cáo của Công an tỉnh, năm 2014 toàn tỉnh xảy ra 1.320 vụ tội phạm hình sự (tăng 20 vụ so với năm 2013), làm chết 49 người, bị thương 494 người, thiệt hại tài sản trị giá 16,28 tỷ đồng (cơ quan chức năng đã điều tra, làm rõ 1.196 vụ, bắt 2.345 đối tượng, thu hồi tài sản trị giá 5,7 tỷ đồng, riêng án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đã làm rõ 210/221 vụ, bắt 332 đối tượng, đạt 95%). Trong đó, một số loại tội phạm tăng như: giết người (xảy ra 47 vụ, tăng 7 vụ so với năm 2013); cố ý gây thương tích (xảy ra 378 vụ, tăng 29 vụ); lừa đảo chiếm đoạt tài sản (xảy ra 36 vụ, tăng 11 vụ); trộm cắp tài sản (xảy ra 510 vụ, tăng 20 vụ)... Đặc biệt, tội phạm giết người trên địa bàn tỉnh tăng và diễn biến phức tạp, hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, gây lo lắng, bức xúc trong xã hội. Đa số các vụ giết người là do nguyên nhân xã hội (41 vụ), trong đó chủ yếu xuất phát từ những mâu thuẫn trong sinh hoạt đời thường không được hòa giải kịp thời, nhiều đối tượng gây án sống ở địa bàn nông thôn, nhận thức về pháp luật còn hạn chế. Đáng báo động là có đến 16 vụ giết thân nhân trong gia đình, trong đó có những trường hợp phạm tội mang tính chất dã man như vụ đối tượng Nguyễn Văn Tùng (SN 1978) dùng gậy gỗ đánh bố ruột đến chết xảy ra ngày 14-1-2014 tại thôn Bình An, xã Dliê Ya (huyện Krông Năng) hay vụ Y Dôn Êban (SN 1995) trú tại buôn Knia 3, xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn) dùng tay bóp miệng và đổ thuốc diệt cỏ vào miệng vợ khiến chị này tử vong…
Một đối tượng phạm tội chiếm đoạt tài sản bị Công an TX. Buôn Hồ xử lý trong năm 2014. Ảnh: Duy Hòa |
Tội phạm trộm cắp tài sản cũng gia tăng với 510 vụ, tăng 16 vụ so với năm 2013, chiếm 38,6% số vụ phạm pháp hình sự (lực lượng chức năng đã làm rõ 432 vụ với 697 đối tượng). Các đối tượng trộm cắp tài sản đã có tiền án, tiền sự chiếm tỷ lệ cao (19%) và nghiện ma túy (5,8%). Đáng lưu ý là tình trạng một số đối tượng câu kết với nhau thành nhóm gây ra nhiều vụ trộm cắp liên tuyến, liên tỉnh (như nhóm 6 đối tượng thực hiện 4 vụ đột nhập trộm tài sản, két sắt tại Dak Lak và Hải Dương, chiếm đoạt hơn 300 triệu đồng; nhóm trộm cắp chuyên nghiệp liên tỉnh gây ra 11 vụ trộm cắp chiếm đoạt gần 1,5 tỷ đồng bằng thủ đoạn theo dõi người đi lĩnh tiền ngân hàng rồi cạy cốp xe máy của họ để trộm tiền...). Bên cạnh đó, tội phạm lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra 56 vụ, tăng 15 vụ so với năm 2013, chủ yếu liên quan đến hoạt động vay mượn tiền, huy động vốn, “tín dụng đen”, chạy việc làm và đã xuất hiện thủ đoạn lừa đảo các đối tượng giả danh công an làm nhiệm vụ yêu cầu người bị hại chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của chúng thông qua dịch vụ bưu chính viễn thông. Tội phạm cố ý gây thương tích cũng gia tăng với 378 vụ, tăng 29 vụ so với năm 2013, làm chết 3 người, bị thương 460 người; đặc biệt có nhiều đối tượng phạm tội là học sinh hoặc thanh thiếu niên dưới 18 tuổi mà nguyên nhân phạm tội thường xuất phát từ những lý do rất nhỏ nhặt. Tội phạm xâm hại tình dục trẻ em mặc dù đã được kiềm giảm (xảy ra 59 vụ, giảm 13 vụ so với năm 2013) song số vụ xảy ra còn nhiều.
Theo Thiếu tướng Trần Kỳ Rơi, Giám đốc Công an tỉnh, tình trạng gia tăng các loại tội phạm hình sự trong thời gian qua có phần nguyên nhân do công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm chưa được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo sâu sát, thường xuyên, liên tục; nhiều nơi triển khai còn mang tính hình thức. Công tác phối hợp phòng ngừa tội phạm ở 3 môi trường: gia đình, nhà trường và xã hội còn yếu; vai trò của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể ở cơ sở trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật còn yếu, hiệu quả hoạt động của các tổ hòa giải ở cơ sở chưa cao. “Thực tế cho thấy cấp ủy, chính quyền một số địa phương ở cơ sở thiếu quan tâm chỉ đạo công tác bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn mà có tư tưởng “khoán trắng” cho Công an; có nơi Chủ tịch xã không nắm được tiêu chí số 19 về công tác bảo đảm an ninh trật tự trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới”, Thiếu tướng Trần Kỳ Rơi cho biết. Bên cạnh đó, tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn ma túy là nguyên nhân gây ra nhiều vụ phạm tội song công tác cai nghiện, quản lý các đối tượng nghiện tại địa bàn cơ sở còn nhiều bất cập, hạn chế...
Để kiềm giảm các loại tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự trong thời gian tới, theo Thiếu tướng Trần Kỳ Rơi, cần huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, phát huy trách nhiệm của các sở ban ngành và toàn dân trong công tác này. Đặc biệt, cần xác định rõ và quy trách nhiệm của người đứng đầu (bí thư cấp ủy và chủ tịch UBND các cấp) trong việc để tình hình an ninh trật tự trên địa bàn quản lý diễn biến phức tạp, không kịp thời chỉ đạo triển khai các biện pháp giải quyết; tập trung củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể, quần chúng trong công tác bảo đảm an ninh trật tự; các ngành, các cấp cần phối hợp thường xuyên, chặt chẽ, hỗ trợ lực lượng công an trong bảo đảm an ninh trật tự, nhất là việc tuyên truyền, vận động quần chúng, quản lý, giáo dục, giúp đỡ, cảm hóa người nghiện ma túy, người đang chấp hành hình phạt ngoài xã hội và người chấp hành xong hình phạt tù trở về địa phương...
Hồng Thủy
Ý kiến bạn đọc