Multimedia Đọc Báo in

Hoàn lương trên đất Ea Pil

16:44, 05/01/2015

Từng vướng vào vòng lao lý, nhưng từ khi mãn hạn tù trở về với cộng đồng, anh Cao Đức Bằng (SN 1971) ở thôn 1 (xã Ea Pil, huyện M’Drak) đã nỗ lực vượt qua những khó khăn vươn lên trở thành một điển hình trong phát triển kinh tế.

Năm 1991, anh Bằng rời quê Thanh Hóa vào xã Ea Pil để tìm kiếm cơ hội làm ăn trên vùng đất mới. Không có đất đai, anh đi làm thuê để kiếm sống. Dành dụm một thời gian cũng đủ tiền để mua được miếng đất, cất được căn nhà tạm bợ để ở. Tết năm 1996, dù biết việc đốt pháo bị cấm nhưng để cho tết thêm rôm rả anh lén mua pháo về đốt. Sáng mùng 1 tết, anh đốt pháo trong nhà bị Công an xã Ea Pil phát hiện, yêu cầu phải lập biên bản để xử phạt và đã xảy ra mâu thuẫn.  Sẵn có chút men trong người, máu anh hùng nổi lên anh vác dao rượt tổ công tác chém trưởng công an xã bị thương tật 51%. Với hành vi này, anh bị xử phạt 12 năm tù. “Tôi ân hận lắm! Một phút nông nỗi không kiềm chế được bản thân mà phải trả giá  bằng bản án 12 năm tù. Những năm tháng tuổi trẻ đẹp nhất của cuộc đời đã ở lại trong cánh cửa của trại giam”, anh Bằng nhớ lại. Sau một thời gian chán nản, anh xốc lại tinh thần quyết tâm cải tạo thật tốt để sớm ra tù làm lại cuộc đời. Năm 2004, sau 8 năm tích cực cải tạo anh được ân xá. Ngày mới trở về địa phương anh còn rất nhiều mặc cảm, tự ti, nhưng được người thân, bà con lối xóm, chính quyền, đoàn thể xã Ea Pil động viên, giúp anh vượt qua khó khăn, quyết tâm làm lại cuộc đời, trở thành người có ích cho gia đình, xã hội. Bước đầu, do không có nghề nghiệp, cũng không có vốn nên anh phải đi làm thuê làm mướn cho người khác để kiếm tiền. “Ai thuê gì làm nấy, cuốc cỏ, bỏ phân, chặt mía… miễn sao kiếm được đồng tiền bằng chính sức lao động của mình”, anh nói. Sau 3 năm làm thuê dành dụm, cộng với tiền vay mượn anh mua chiếc xe tải nhỏ để chở hàng thuê. Cũng từ những chuyến xe này anh đã quen biết và đem lòng yêu thương chị Nguyễn Thị Hường, năm 2007, họ tổ chức đám cưới. Cũng trong năm này, đứa con trai đầu lòng của họ ra đời. Từ khi có con, anh Bằng càng quyết tâm hơn trong việc làm ăn để cho con sau này có điều kiện sống tốt hơn. 

Anh Bằng đang chăm sóc đàn bò sinh sản.
Anh Bằng đang chăm sóc đàn bò sinh sản.

Sau nhiều đêm suy nghĩ, thấy việc chạy hàng thuê cũng không mang lại lợi nhuận cao, nên anh bàn với vợ bán xe để lấy vốn làm ăn. Với lưng vốn ít ỏi anh mở một tiệm bán hàng tạp hóa nhỏ để vợ buôn bán còn anh thì tập trung vào chăn nuôi. Anh quyết định đầu tư vào nuôi heo thịt, “nuôi heo thịt tận dụng được nhiều sản phẩm  phụ có giá rẻ ở địa phương, thời gian quay vòng vốn nhanh, chỉ cần khoảng 4 tháng có thể xuất chuồng rồi tái đàn lại”, anh chia sẻ. Mới đầu anh nuôi với số lượng ít để rút kinh nghiệm. Thời gian sau, anh bắt đầu mở rộng chuồng trại nuôi với số lượng lớn. Đến nay, mỗi lứa heo anh nuôi khoảng 50 con, mỗi năm cho xuất chuồng 3 lứa. Để chủ động nguồn heo giống, anh nuôi thêm 4 con heo mẹ sinh sản. Bình quân mỗi con heo thịt khi xuất chuồng nếu giá cả ổn định cũng cho lãi khoảng 1 triệu đồng. Thấy ở địa phương có nguồn cỏ tự nhiên phong phú, anh đã đầu tư nuôi thêm bốn con bò sinh sản. Số bò phát triển tốt và cũng tạo thêm nguồn thu nhập từ việc bán bò giống.  Mỗi năm thu nhập từ việc bán heo, bò giống cũng giúp anh kiếm được cả trăm triệu đồng. “Bước đầu hoạt động chăn nuôi của gia đình cũng có những thành công nhất định, tuy nhiên vẫn đang trong diện nuôi nhỏ lẻ, thu nhập cũng đủ để cuộc sống thôi!”, anh khiêm tốn. 

Anh Vũ Ngọc Linh, Phó Công an xã Ea Pil cho biết, từ ngày ra trại đến nay, tại địa phương Bằng luôn chấp hành tốt các quy định của địa phương, sống hòa đồng với mọi người xung quanh. Ngoài ra, anh cũng là tấm gương về nghị lực vượt khó, vượt qua những mặc cảm của quá khứ tội lỗi để hòa nhập với cộng đồng, vươn lên phát triển kinh tế.

Vạn Tiếp


Ý kiến bạn đọc